Đạo diễn Quốc Trọng nói về phim Bí thư tỉnh ủy: Nếu không tỉnh táo rất dễ sa đà

Bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” (dài 50 tập, kịch bản: Vân Thảo, đạo diễn: Quốc Trọng, Trọng Khôi, Hãng phim VFC sản xuất) sẽ phát sóng lúc 20 giờ 10 trên VTV1 các tối thứ hai, ba, tư hàng tuần, bắt đầu từ 27-9. PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Quốc Trọng về bộ phim này.
Đạo diễn Quốc Trọng nói về phim Bí thư tỉnh ủy: Nếu không tỉnh táo rất dễ sa đà

Bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” (dài 50 tập, kịch bản: Vân Thảo, đạo diễn: Quốc Trọng, Trọng Khôi, Hãng phim VFC sản xuất) sẽ phát sóng lúc 20 giờ 10 trên VTV1 các tối thứ hai, ba, tư hàng tuần, bắt đầu từ 27-9. PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Quốc Trọng về bộ phim này.

* PV: Khi nhận làm đạo diễn bộ phim “Bí thư tỉnh ủy”, điều gì anh tâm đắc nhất và điều gì gây khó khăn cho anh nhiều nhất?

Đạo diễn Quốc Trọng từng đạo diễn các bộ phim tạo ấn tượng với khán giả như: Mùa lá rụng, Đường đời, Hương đất, Ngõ lỗ thủng, Một lần đi bụi, Bao giờ thuyền lại sang sông…

* Đạo diễn QUỐC TRỌNG: Lúc đầu khi Thùy Linh, Phó Giám đốc VFC, trao đổi về việc làm phim Bí thư tỉnh ủy tôi cũng chỉ coi đó như mọi kịch bản phim mà tôi vẫn làm trước đây. Câu chuyện về ông Kim Ngọc tôi biết từ hồi còn học phổ thông nhưng chỉ mang máng.

Khi bắt tay vào đọc kịch bản, cảm giác đầu tiên của tôi là thấy sợ. Sợ vì nhìn thấy khối lượng công việc khổng lồ mà mình sẽ phải làm. Bởi tôi quá hiểu với điều kiện hiện tại của hãng phim, chúng tôi có những gì trong tay, nếu đã làm thì phải cố gắng làm cho đến nơi đến chốn, nếu làm qua quýt sẽ có tội. Sau đó, tôi bắt tay vào tìm tư liệu về ông Kim Ngọc và về thời kỳ đó.

Tư liệu về ông Kim Ngọc trên Google hầu như không có. Những công việc cụ thể mà ông Kim Ngọc đã làm trong thời kỳ đó đã được tác giả kịch bản viết ra rồi. Điều tôi muốn tìm hiểu kỹ, trên thực tế bản chất về “câu chuyện Kim Ngọc” là như thế nào?

Rất may mắn, tôi có trong tay cuốn: “Tư duy kinh tế Việt Nam, chặng đường gian nan và ngoạn mục” của giáo sư Đặng Phong (NXB Tri thức, xuất bản năm 2008), trong đó đề cập khá chi tiết về thời kỳ khoán hộ mà ông Kim Ngọc là điển hình. Những tư liệu mà tôi có được khiến tôi cảm thấy bị thuyết phục bởi nhân cách Kim Ngọc và vững tin hơn khi bắt tay vào làm phim.

Từ trái qua: NSƯT Minh Châu (vai bà Thường - Trưởng ban kiểm tra Tỉnh ủy) và Dũng Nhi (vai Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim) trong phim Bí thư tỉnh ủy.

Từ trái qua: NSƯT Minh Châu (vai bà Thường - Trưởng ban kiểm tra Tỉnh ủy) và Dũng Nhi (vai Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim) trong phim Bí thư tỉnh ủy.

* Việc chọn diễn viên cho phim, nhất là vai bí thư tỉnh ủy, có khó khăn không? Anh có cảm thấy hài lòng với diễn xuất của diễn viên này?

* Ngay khi đọc kịch bản, tôi đã hình dung ra là nên chọn Dũng Nhi, bởi xét trong số diễn viên nam mà chúng ta có, anh Nhi là người có cách diễn khá chừng mực và ổn định. Về sau này khi lên Vĩnh Phúc tìm hiểu tài liệu, thật may là anh Nhi cũng lại là người có gương mặt giống cụ Kim Ngọc nhất. Trông còn giống hơn ông con trai cả của cụ ấy nhiều. Quá trình làm phim, cả tôi và anh Dũng Nhi đều cố gắng tìm hiểu thêm các chi tiết ngoài đời sống liên quan đến tính cách của cụ Kim Ngọc. Theo tôi, anh Nhi đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình.

* Quá trình quay phim trong bao lâu và bối cảnh chính được quay ở đâu? Khi đoàn phim quay ở đó, anh có gặp khó khăn gì không?

* Thời gian vừa viết kịch bản, đạo diễn vừa đi chọn cảnh ròng rã mất nửa năm. Nơi xa nhất là Quảng Bình, nhưng rồi sau đó không vào được Quảng Bình để quay vì tính toán thấy chi phí vượt lên khủng khiếp nên đành thôi. Tôi nhớ cách đây đúng 10 năm tôi đã lên Vĩnh Phúc để quay bộ phim Mùa lá rụng và thấy ở đó còn khá nhiều bối cảnh phù hợp nên tôi quay lại đó để chọn cảnh. Rất may mắn là Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc hết sức nhiệt tình, thậm chí còn cử người đi theo đoàn để chỉ dẫn chọn cảnh.

Toàn bộ phim được quay trên địa bàn Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Quả thực nếu không có sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì bộ phim này chắc chắn sẽ còn vất vả nhiều hơn nữa.

Những khó khăn của đoàn phim thì khó mà có thể kể ra cho hết. Tất cả mọi bối cảnh lớn nhỏ (nhỏ nhất là một quán nước, lớn nhất là văn phòng làm việc của ông bí thư, trận địa pháo…) đều phải làm lại hoàn toàn như trong trường quay.

Hàng trăm bối cảnh đều phải tái tạo lại, giường tủ, bàn ghế, ấm chén, bát đĩa… đều phải làm lại hoặc tìm kiếm để thuê mượn, đào hơn 500m hào giao thông, làm hàng trăm hầm chữ A, hàng trăm chiếc nùn rơm, mũ rơm và hàng ngàn đạo cụ các loại đều phải làm lại

* Anh có bị áp lực gì khi làm phim này không?

* Với phim này, Đài THVN có một thái độ nghiêm túc và thận trọng vì sự “nhạy cảm chính trị” của nó. Chính vì vậy ngay từ đầu, kịch bản đã được ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng giám đốc thường trực Đài THVN đọc và góp ý. Chính vì hiểu rõ độ nhạy cảm của đề tài nên tôi đã hết sức thận trọng khi tiếp cận các tư liệu và khi làm phim tôi cố gắng xây dựng các nhân vật với thái độ khách quan, chân thành.

Tôi hiểu rất rõ và quan niệm rằng: Cách nhìn hằn học, đả kích cái cũ, cái sai lầm sẽ không giúp cho chúng ta ngày hôm nay nhìn rõ được lịch sử và chỉ làm cho tầm vóc của nhân vật bị thấp đi, và qua đó cũng sẽ hạ thấp tầm vóc của những nhà làm phim.

* Theo anh, những phim dạng chính luận như “Bí thư tỉnh ủy” có dễ làm?

* Dòng phim chính luận vẫn luôn được người xem quan tâm và chính thái độ đó của khán giả khiến cho việc làm phim chính luận không hề dễ dàng chút nào. Những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm, luôn bị soi xét với nhiều góc nhìn khác nhau.

Bên cạnh đó, nếu người làm phim không tỉnh táo sẽ rất dễ sa đà vào những chi tiết bộc lộ tâm lý bới móc, chỉ chăm chăm khai thác khía cạnh xấu, thỏa mãn tâm lý ưa “chửi đổng” của không ít người mà thiếu đi sự khách quan và sự chân thành khi tìm hiểu bản chất vấn đề. Tôi quan niệm người làm nghệ thuật phải biết vượt lên trên cái tầm thường của đời thường để tìm hiểu và chỉ rõ ra bản chất vấn đề.

* Cảm ơn anh. 

NHƯ HOA thực hiện

Tin cùng chuyên mục