Đào, Phở và Piano: Niềm vui pha chút đắng

Đào, Phở và Piano, bộ phim do Nhà nước đặt hàng, bỗng nhiên thu hút khán giả đến mức trang web đặt vé liên tục quá tải. Đây là câu chuyện gây nhiều bất ngờ những ngày qua. Đằng sau niềm vui phim sử Việt hút khách lại là một câu chuyện buồn về nỗi niềm “phim đặt hàng” đã nhiều lần được nhắc đến.

Lần đầu phim đặt hàng tham gia mùa phim tết

Hai bộ phim truyện sử dụng ngân sách Nhà nước trong năm 2023, đã tham dự các liên hoan, giải thưởng điện ảnh trong nước, giành nhiều giải thưởng cao là Đào, Phở và Piano và Hồng Hà nữ sĩ chính thức ra rạp vào mùng 1 Tết Nguyên đán 2024. Sự xuất hiện của 2 bộ phim Nhà nước đặt hàng trong “đường đua” phim tết khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ và thích thú.

Tuy nhiên, những ngày đầu mùa phim tết, thông tin về 2 bộ phim này không được nhắc đến nhiều, thậm chí doanh thu của cả 2 phim thấp đến mức “không tiện nhắc đến”. Thế nhưng, khi mùa phim tết bước qua cao điểm, bất ngờ Đào, Phở và Piano trở thành cái tên nóng, được nhắc đến nhiều trên các trang mạng xã hội với các mỹ từ khen ngợi nội dung, hình ảnh của phim. Đi kèm với đó là nhu cầu xem phim cũng tăng vọt, nhiều khán giả cho biết gần như không thể mua được vé vì các rạp chiếu luôn trong tình trạng đầy khách.

u6a-5704.jpg
Phim Đào, Phở và Piano gây sốt ngay lần đầu tiên tham gia cuộc đua phim tết. Ảnh: ĐPCC

“Đào, Phở và Piano từ 3 suất chiếu/ngày, tăng lên 11 suất chiếu và đến ngày 19-2 lên 15 suất. Toàn bộ vé các ngày tiếp theo (đến ngày 21-2) đều đã bán hết. Dự kiến ban đầu chỉ chiếu đến hết tết thì nay chúng tôi sẽ chiếu cho tới khi nào phim không còn khán giả, dự kiến ít nhất là 1 tháng”, ông Vũ Đức Tùng, quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia, cho biết.

Vậy sức hút của Đào, Phở và Piano từ đâu ra? Thông tin trước mắt thì bắt nguồn từ việc một tiktoker đi xem phim và sau đó đã lên mạng review khen ngợi bộ phim hết lời. Thế là 1 đồn 10, 10 đồn 100, mọi người dồn dập rủ nhau đi xem phim khiến sức nóng của phim ngày càng tăng. “Chắc chắn đây sẽ là một kinh nghiệm quý báu trong công tác truyền thông, thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh”, ông Vũ Đức Tùng thông tin.

Vị thế nào cho phim Nhà nước đặt hàng

Phim thu hút khán giả đến rạp là một điều đáng mừng, đáng mừng hơn là nếu ban đầu người ta chỉ đến vì tò mò thì sau đó là hào hứng, chờ mong và phần nào thỏa mãn với chất lượng của phim, mà bằng chứng là số người đến rạp ngày càng tăng. Thế nhưng, ở một góc độ khác, thành công của Đào, Phở và Piano lại gây nên một cảm giác đắng nghét trong lòng những người trong cuộc.

Như vậy phim đặt hàng đâu phải dở, phim vẫn thu hút được một bộ phận khán giả, vẫn có doanh thu khả quan dù chỉ chiếu một rạp duy nhất. Ấy thế mà suýt nữa phim lại chịu chung số phận của rất nhiều phim đặt hàng khác: sản xuất, nghiệm thu, chiếu ra mắt, dự liên hoan, đạt giải thưởng và… cất kho. Không phải ngẫu nhiên mà khi vé bán hết, ông Vũ Đức Tùng phải thốt lên: “Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ, khiến chúng tôi và cả những người trong cuộc cũng phải ngỡ ngàng”.

u6a-5704-1496.jpg

Trước đây, phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước vốn gặp nhiều vướng mắc nhất là ở khâu phát hành. Luật Điện ảnh bổ sung đã khuyến khích phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước trên truyền hình, rạp chiếu phim, phục vụ đồng bào vùng núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn. Đặc biệt, luật cũng quy định việc thí điểm đưa phim ra rạp phục vụ người dân trong các dịp tết cổ truyền như với trường hợp 2 bộ phim trên.

Tuy nhiên, quy định là một chuyện, thực tế lại là một chuyện khác. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Đào, Phở và Piano hay Hồng Hà nữ sĩ đều là phim được Nhà nước cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng lại chưa có kinh phí phát hành.

Chính vì vậy, việc phổ biến phim rộng rãi còn có một số bất cập, như chuyện làm công tác truyền thông hầu như không có, dù ai cũng biết truyền thông là câu chuyện sống còn đối với một bộ phim ra rạp. May mắn Đào, Phở và Piano nhận được tác động truyền thông tốt từ xã hội, nhưng không thể phim nào cũng trông chờ may mắn như vậy, mà cần phải có công tác truyền thông chuyên nghiệp.

Một trở ngại khác nằm ở việc hiện nay vẫn chưa có quy định về phân chia tỷ lệ phần trăm cho nhà phát hành khi đưa phim đến các rạp trên cả nước. Cũng vì thế mà cả 2 phim đành phải chiếu ở một địa chỉ duy nhất là Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội). Điều này đã hạn chế rất nhiều số người có thể tiếp cận bộ phim, nhất là trong thời điểm thông tin về phim đang lan truyền mạnh. Hiện Cục Điện ảnh đã đề nghị Bộ VH-TT-DL hỗ trợ để phim Đào, Phở và Piano có thể chiếu trên cả nước.

Tin cùng chuyên mục