
30 năm qua, Trường Cán bộ TPHCM đã mở khoảng 2.000 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 414.000 cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, với số lượng hơn 90.300 cán bộ công chức toàn thành phố hiện nay, trong đó ở khối phường - xã vẫn còn 60% cán bộ chưa qua các lớp trung cấp chính trị, gần 73% chưa học trung cấp quản lý nhà nước và 63% chưa được đào tạo chuyên môn. Tuy nhiên, áp lực này cũng chưa nặng nề và bức bách bằng áp lực về chất lượng giảng dạy hiện còn có khoảng cách khá xa so với thực tế. Hội thảo “30 năm đào tạo đội ngũ cán bộ” do trường tổ chức (đầu tháng 5–2005) đã mở ra nhiều cách nhìn, hướng đi mới cho công tác giảng dạy của trường.
- Nhiều chương trình mang tính “bằng cấp hóa”

Cán bộ trẻ diện quy hoạch dài hạn thuộc thành ủy quản lý (ảnh) cần được đào tạo tập trung ở Trường cán bộ TP.
Một tham luận tại hội thảo đã chỉ ra rằng: nhiều chương trình giảng dạy tại chức chỉ mang tính “bằng cấp hóa” cho số cán bộ đương chức, vì vậy “năng lực công tác, tay nghề của nhiều cán bộ chưa tương xứng với văn bằng họ nhận được”! Thạc sĩ Nguyễn Sĩ Nồng nhận định: Chương trình biên soạn từ 5 - 7 năm và được “xây dựng từ ý định lãnh đạo của cấp trên nên có phần chưa đáp ứng thực tế và đòi hỏi của từng địa phương”. Đã như thế, nội dung nặng lý thuyết, trùng lắp giữa các chương trình cử nhân, cao cấp, trung cấp…
Cắt nghĩa cho việc trên 90% các lớp do trường mở ra là học tại chức, nhiều đại biểu tham dự hội thảo nhận định: “Do chúng ta bổ nhiệm rồi mới đào tạo nên thực trạng này có thể còn kéo dài 5 - 10 năm nữa!”. Có đại biểu lý giải: Cán bộ ngại học tập trung một phần do tính “dễ dãi”, tính “mềm dẻo” của chương trình đào tạo tại chức, một phần sợ…mất ghế. T.S Trương Thị Hiền cho biết, nhiều học viên đi học với quan niệm “trả nợ quỷ thần” nên đến lớp chỉ để điểm danh, thậm chí có lớp khi thảo luận cử ra một người làm đề cương rồi… phô-tô cho mỗi người một bản nhằm đối phó với giáo viên!
Do vậy, nâng chất lượng “đầu vào” và thực hiện đúng quy trình đào tạo rồi mới bổ nhiệm là việc phải làm trước tiên. Ông Lê Bách (nguyên Giám đốc Trường hành chính TP) khẳng định: Nhân tài không thiếu, vấn đề là chúng ta có “con mắt nhìn” đúng đắn với cơ chế tuyển lựa khoa học, chính xác. Thạc sĩ Lý Thị Như Hòa mạnh dạn nói: cơ hội trở thành cán bộ, công chức Nhà nước đối với con em lao động khá xa xôi, do “ không có quan hệ với người tuyển dụng, không có thông tin tuyển dụng, gia đình không có người nhà làm công chức”.
Như thế, Nhà nước bỏ sót nhiều người đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm người cán bộ tốt. Theo ông Bách, việc xét tuyển “theo lý lịch” ù chỉ để tham khảo, vấn đề quan trọng là hãy đứng ở góc độ “lợi ích của dân” để tuyển chọn người và phải được tiến hành công bằng, công khai, dân chủ và mang tính xã hội hóa. Như thế mới dần dần thực hiện được quy trình đào tạo - bổ nhiệm.
- Vẫn là thầy đọc, trò ghi và học viên trả bài theo thầy để... an toàn
Đó là nhận định của Th.S Nguyễn Sĩ Nồng: chỉ với 65 cán bộ giảng dạy nhưng lại chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng khoảng 10.000 học viên (trung bình mỗi lớp trên dưới 100 người). Đây quả là một sức ép khủng khiếp. T.S Đinh Phương Duy bổ sung: Vì thiếu giảng viên chuyên ngành, nên một số giảng viên phải đảm nhận dạy những môn học trái ngành. Thêm vào đó, thời gian giảng dạy kín mít, không có thời gian tự học tập, tự nghiên cứu, đi thực tế. Để bảo đảm yêu cầu, nhà trường cần ít nhất 100 - 150 giảng viên. Điều đáng báo động là độ tuổi giáo viên khá cao nên nhiều thầy cô ngại đổi mới, cập nhật các thông tin mới. Trong giảng dạy, việc truyền đạt lý luận thì sâu sắc nhưng việc hướng dẫn kỹ năng lãnh đạo quản lý cho học viên thì chưa nhiều.
Còn giảng viên mới, tuy trẻ nhưng lại thiếu kiến thức chuyên sâu về chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức khoa học và thực tiễn. Vì thế mới có chuyện có giáo viên phải “khất” trả lời một số câu hỏi liên quan đến ứng dụng thực tiễn mà học viên nêu ra để có thời gian về…tham khảo ý kiến người khác. Tháo gỡ vướng mắc này, T.S Phạm Ngọc Minh đề nghị không nên quy định giờ chuẩn đối với giảng viên mới trong thời gian 2 năm, thay vào đó, nhà trường đưa ra yêu cầu bắt buộc giảng viên mới đi nghiên cứu thực tế để tìm hiểu những nội dung phục vụ cho môn học, bài học mà mình giảng dạy…
- Đào tạo kiểu môđum và cho từng đối tượng học viên
Th.S Phan Hy đưa ra sáng kiến đào tạo kiểu môđum. Với cách này, một chương trình học gồm bao nhiêu môn học sẽ là từng ấy môđum đào tạo và sẽ tiến hành theo phương thức tập trung. Học viên sẽ được học và thi để lấy chứng chỉ của từng môn học. Các chứng chỉ sẽ được bảo lưu theo thời gian quy định. Khi có đủ chứng chỉ, học viên được cấp bằng. Như thế việc học tập của học viên không nhất thiết phải liên tục theo đúng trình tự môn học. Trên cơ sở này, kế hoạch mở lớp hàng năm của trường sẽ chuyển thành kế hoạch tổ chức các môđum đào tạo. Theo đó, các đơn vị sẽ căn cứ tình hình cụ thể của mình để chủ động sắp xếp cán bộ đi học. Như thế, cán bộ được “bứt” ra khỏi công việc trong những khoảng thời gian nhất định để chuyên tâm lo học tập. Th.S Nguyễn Thị Kim Dung đề xuất mở nhiều lớp bồi dưỡng những kỹ năng cụ thể theo chức danh cho nhân viên văn thư, hòa giải viên, nhân viên tư pháp.
Hoặc tổ chức các lớp đào tạo cho từng đối tượng như bác sĩ, giáo viên, cán bộ UBND. Tùy theo từng đối tượng để xây dựng các giáo trình phù hợp với công việc đặc thù, qua đó giúp cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng thực tiễn sau khi tốt nghiệp. Ông Phạm Minh Giáp (Đảng ủy khối Bộ Công nghiệp) đề nghị hợp nhất 2 chương trình trung cấp chính trị và trung cấp hành chính làm một để không lãng phí thời gian, tiền của, sức lực của người học; đồng thời kiến nghị nhà trường tự biên soạn giáo trình giảng dạy phù hợp với đặc thù ở TPHCM, trong đó đa dạng hóa nội dung, chú ý các bài tập xử lý tình huống cho cán bộ cơ sở.
TUẤN SƠN