Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức tại TPHCM: Yêu cầu cấp bách

Theo báo cáo của Sở Nội vụ TPHCM, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm TPHCM chi ngân sách từ 13.000 đến 17.000 tỷ đồng để đưa đi đào tạo trong và ngoài nước hơn 30.000 cán bộ, công chức (CBCC). Thế nhưng, đội ngũ CBCC hiện mới chỉ đáp ứng được hơn 60% yêu cầu công việc đặt ra. Đặc biệt, tỷ lệ CBCC không đủ trình độ, nhất là ở cấp xã còn khá cao với khoảng hơn 30%. Đây được coi là lực cản rất lớn cho tiến trình cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức tại TPHCM: Yêu cầu cấp bách

Theo báo cáo của Sở Nội vụ TPHCM, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm TPHCM chi ngân sách từ 13.000 đến 17.000 tỷ đồng để đưa đi đào tạo trong và ngoài nước hơn 30.000 cán bộ, công chức (CBCC). Thế nhưng, đội ngũ CBCC hiện mới chỉ đáp ứng được hơn 60% yêu cầu công việc đặt ra. Đặc biệt, tỷ lệ CBCC không đủ trình độ, nhất là ở cấp xã còn khá cao với khoảng hơn 30%. Đây được coi là lực cản rất lớn cho tiến trình cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đào tạo để... nâng ngạch, nâng lương

Ông Diệp Văn Sơn, chuyên viên lĩnh vực cải cách hành chính cho biết: Qua khảo sát thực trạng nhu cầu đào tạo đội ngũ CBCC tại một số quận huyện và sở ngành cho thấy phần lớn CBCC hiện nay mặc dù đã được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, song chỉ có một tỷ lệ rất thấp có thể đáp ứng được với yêu cầu thực tế đặt ra. Trong khi đó, khối lượng công việc cần giải quyết ngày càng nhiều và luôn phức tạp, quá tải với áp lực cao.

Cán bộ phường 5, quận Tân Bình tiếp dân hàng tuần.

Cán bộ phường 5, quận Tân Bình tiếp dân hàng tuần.

Do phải dành nhiều thời gian vào việc họp hành, giải quyết các công việc sự vụ nên phần lớn CBCC không thể hiện được các chức năng lãnh đạo và quản lý vĩ mô hoặc ra các quyết định, xây dựng kế hoạch mang tính chiến lược. Nhiều CBCC có thâm niên, có kinh nghiệm thực tiễn, song lại thiếu các kỹ năng cần thiết trong một môi trường tổ chức hành chính hiện đại.

Trong khi đó, qua khảo sát về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC tại huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận 5, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế.… cho thấy, đa số các chương trình đào tạo CBCC của TP, trong đó chủ yếu là ngoại ngữ và tin học, chỉ nhằm mục đích bổ túc hoặc nâng cao trình độ kiến thức.

Nhiều CBCC đã từng tham gia chương trình đào tạo thừa nhận, chương trình hiện nay chất lượng kém, không hiệu quả, còn mang tính hình thức, chú trọng vào điểm thi và bằng cấp quá nhiều.

Nhiều giảng viên tại Trường Cán bộ TP, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM cũng cho rằng nội dung và chương trình đào tạo rất thiếu kiến thức về thực tế và thời lượng học chính trị chiếm phần lớn chương trình đào tạo. Có trường đào tạo cán bộ của TP ước tính rằng, chỉ khoảng chưa đầy 10% CBCC sau khi học trở về đơn vị là thực sự phát huy được những gì đã học. Được hỏi về chất lượng đào tạo CBCC hiện nay, một cán bộ của Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM thừa nhận: “Tôi cảm giác là đào tạo hiện nay chỉ để tiêu chuẩn hóa CBCC, chỉ để nâng ngạch, nâng lương…” (!?)

Nâng chất đội ngũ CBCC - cách nào?

Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ, trước hết phải đổi mới về phương thức, nội dung và chương trình đào tạo. Việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho CBCC phải được thiết kế chương trình cho từng đối tượng CBCC, từng vị trí công việc cụ thể và từng nhóm đối tượng tương ứng của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Cụ thể, chương trình đào tạo đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý, về kiến thức chung nhất thiết phải có các nội dung về tư duy và tầm nhìn chiến lược, về lãnh đạo, quản lý văn phòng, lập kế hoạch, giao tiếp và vận động quần chúng… Đối với công chức, ngoài nội dung đào tạo trên, còn phải được trang bị các kỹ năng làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, đàm phán thương lượng, soạn thảo văn bản…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hùng, Trưởng nhóm Dự án hỗ trợ cải cách hành chính TP, trong những năm tới, nhu cầu nâng cao năng lực đối với đội ngũ CBCC TP đang trở lên rất cấp bách. Do quá trình hội nhập kinh tế và xã hội diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi trong một thời gian ngắn, TP phải chuẩn bị đủ đội ngũ CBCC có chất lượng cao trên mọi lĩnh vực. Trong đó, cần chú trọng đào tạo đội ngũ CBCC có phương pháp tư duy chiến lược, có phương pháp tiếp cận và năng lực thực tiễn trong quản lý vĩ mô, có sự năng động và tính chuyên nghiệp cao.

Mặt khác, các khóa đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ đối tượng CBCC và yêu cầu về nhiệm vụ, công tác mà họ đảm nhiệm. Cũng theo TS Nguyễn Khắc Hùng, để tránh tình trạng khập khiễng về đội ngũ CBCC, TP cần có chính sách thu hút đầu vào theo tiêu chuẩn của từng loại chức danh, công việc, để khi cần đào tạo, bồi dưỡng bổ sung về kiến thức theo yêu cầu thực tế sẽ dễ dàng đáp ứng được ngay.

Dự báo về năng lực của đội ngũ CBCC trong tương lai, mỗi năm TP phải đáp ứng cho cả hệ thống chính quyền từ 50.000 đến 70.000 CBCC đã được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn mà thực tiễn đặt ra. Đây là nhiệm vụ mang tính cấp bách, thể hiện sự quyết tâm xây dựng đội ngũ CBCC đáp ứng với tiến trình cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2010 – 2020.

HOÀI NAM

 

Tin cùng chuyên mục