Đào tạo nhân tài nghệ thuật

Hoạt động nghệ thuật tại TPHCM ngày càng sôi động và đa dạng. Những chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật với nước ngoài, các live show được đầu tư lớn, những buổi hòa nhạc thính phòng và đặc biệt là liên hoan “Giai điệu mùa thu” hàng năm nhằm tôn vinh những tài năng trẻ trong nghệ thuật hàn lâm… đều để lại dấu ấn khó phai trong lòng công chúng về các nhân tài nghệ thuật.

Điều này không chỉ nhận thấy trong hoạt động âm nhạc cổ điển thính phòng, nhạc nhẹ, vũ kịch, mà còn cả trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống, ca trù, hát bội, cải lương, tuồng chèo… Những nghệ sĩ tài năng đã góp phần quyết định trong các chương trình nghệ thuật dân tộc được du khách nước ngoài đánh giá cao. Người nước ngoài thích xem rối nước, chèo miền Bắc, tuồng miền Trung, cải lương và đờn ca tài tử Nam bộ, thậm chí nhiều khách xem đã được tự tay gẩy thử đàn bầu, đánh đàn T’rưng hoặc kéo thử đàn cò… mà họ cho rằng rất độc đáo, chỉ có ở Việt Nam.

Qua đó, họ khâm phục các nghệ sĩ có tài năng đặc biệt đã tỏa sáng trong chương trình để chinh phục trọn vẹn trái tim khán giả. Phong độ đỉnh cao của những tài năng nghệ thuật thể hiện ở sức biểu cảm, tài diễn xướng, sự thăng hoa và mức độ truyền cảm hứng đến công chúng. Một số buổi biểu diễn của các câu lạc bộ ca múa nhạc được ghi nhận chất lượng cao do có sự góp mặt của những nghệ sĩ có tài, biểu diễn sáng tạo, tạo cảm xúc mạnh và thẩm thấu sâu trong lòng công chúng. Vừa qua, chương trình nhạc Ca Lê Thuần và chương trình nhạc Trịnh Công Sơn là một ví dụ về chuyện sử dụng tài năng nghệ thuật, không chạy theo kinh doanh để có được chất lượng biểu diễn tốt nhất.

Nhằm giữ vững và phát triển mặt bằng nghệ thuật như vậy, trước hết phải coi trọng công tác đào tạo tài năng trẻ trong nghệ thuật, cả đầu vào và đầu ra. Ở khu vực đầu vào là nhạc viện và trường văn hóa nghệ thuật- cái nôi tạo ra những nghệ sĩ có tài, có tâm và có tầm, nhưng lâu nay lại chưa được đầu tư đúng mức để có điều kiện tuyển sinh tốt nhất cũng như thực hiện giảng dạy theo các tiêu chí hiện đại. Đối với khu vực đầu ra là nhà hát, đoàn nghệ thuật, thì việc phát huy tài năng nghệ sĩ vẫn còn lúng túng đi tìm giải pháp chiêu hiền đãi sĩ, tạo đất diễn và áp dụng công nghệ lăng-xê để khẳng định những tuổi mới nổi trong làng nghệ thuật.

Tóm lại, chúng ta cần khẩn trương thực hiện một cách đồng bộ, từ khâu phát hiện, đào tạo nhân tài nghệ thuật, đến sử dụng hợp lý nhất nguồn nhân lực này nhằm củng cố và nâng cao chất lượng nghệ thuật trong tình hình mới. Phải sớm có chiến lược đầu tư dài hơi, công phu và bài bản mới có thể chủ động trong giao lưu văn hóa với các nước, tạo ấn tượng đẹp về nghệ thuật Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời nâng tầm thị hiếu thẩm mỹ cho quảng đại quần chúng. Đây là một trong những vấn đề thiết yếu về việc “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra.

Trong bối cảnh nền văn hóa đang có những bước chuyển biến quan trọng, sự trăn trở đôi khi thầm lặng để bước vào thời kỳ mới hướng tới hoạt động biểu diễn ngày một hiệu quả hơn, thì việc dựa vào nội lực tạo ra những gương mặt nghệ sĩ tài danh cho đất nước đã trở thành một vấn đề rất đáng quan tâm.

Xuân Thái

Tin cùng chuyên mục