Đào tạo, phát triển nguồn cán bộ trẻ

TPHCM thường xuyên cử cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài, giúp bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các sở ngành, địa phương, đơn vị và chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho các công trình, dự án trọng điểm.
Cán bộ, công chức quận 10 (TPHCM) tham gia kỳ thi kiểm tra năng lực năm 2022 Ảnh: THU HƯỜNG
Cán bộ, công chức quận 10 (TPHCM) tham gia kỳ thi kiểm tra năng lực năm 2022 Ảnh: THU HƯỜNG

Khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao

Theo Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nội dung được thành phố quan tâm, có vai trò quyết định việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố. Từ giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đưa chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong các chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020. Kết quả đạt được đã góp phần tạo bước chuyển biến lớn về chất đối với bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.

Giai đoạn này, nhiều chương trình đào tạo cán bộ trẻ tại thành phố được triển khai mạnh mẽ. Theo Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã tuyển chọn và đưa đi đào tạo 920 học viên, trong đó đào tạo 92 tiến sĩ, 828 thạc sĩ. Chuyên môn đào tạo tập trung chủ yếu ở các khối ngành Kinh tế - Tài chính; Khoa học - Công nghệ; Chính trị, Văn hóa - Quản lý nhà nước, Luật. Hiện nay có 686 cán bộ đang công tác; trong đó có 314 trường hợp được đề đạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý cấp thành phố, cấp huyện và xã.

Đối với chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, TPHCM đã xét đưa vào chương trình 1.527 trường hợp là sinh viên có học lực khá, giỏi cũng như những cán bộ, công chức, viên chức trẻ có chiều hướng phát triển tốt. Qua thời gian sàng lọc và rèn luyện, hiện còn 978 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị; 385 cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý. Chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý xuất thân từ công nhân cũng có 107/135 cán bộ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị. Trong đó, có 29 cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý tại đơn vị.

Ngoài ra, TPHCM cũng tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trình độ cao để chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công trình, dự án trọng điểm. Đó là các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học, y dược. Gần đây nhất là đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư và chuyên gia quản lý, vận hành hệ thống công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị của TPHCM giai đoạn 2018-2020. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhận xét, cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo đã bổ sung kịp thời lực lượng kỹ sư, nghiên cứu viên chuyên sâu, cán bộ khoa học, góp phần kéo giảm tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao.

Cống hiến tri thức cho thành phố

Từ các chương trình đào tạo đã giúp TPHCM có được đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, được bố trí giữ các chức vụ quan trọng tại nhiều sở, ngành, địa phương. Họ không ngừng học tập, rèn luyện để đáp ứng kỳ vọng của TPHCM về một lứa cán bộ trẻ được tôi luyện ở môi trường giáo dục tiên tiến, từ đó có thêm nhiều kiến thức mới cũng như bản lĩnh trong quản lý và điều hành, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Về nước sau thời gian theo học chương trình 300 tiến sĩ, ông Vũ Anh Khoa (SN 1983), Bí thư Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Sài Gòn Co.op) nhiệm kỳ 2020-2025, tự nhận xét rằng mình trưởng thành hơn nhiều và đã phát huy được những kiến thức đã học. Trước khi được bầu tham gia thành viên HĐQT, giữ chức Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op, ông giữ chức Chủ tịch UBND quận 10 và là chủ tịch quận trẻ nhất của thành phố thời điểm đó.

Giữ chức Chủ tịch UBND quận 10, ông Khoa đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo như: giải quyết liên thông hồ sơ đăng ký kinh doanh và mã số thuế đối với hộ kinh doanh cá thể; chỉ đạo, vận động người dân tham gia lắp đặt camera an ninh ở tất cả khu phố trên địa bàn phường 11; giải quyết khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách và nhiều khâu khó, việc mới của quận... Hiện nay, ở vai trò mới, trên cương vị người đứng đầu cấp ủy, ông lại có nhiều cách làm hay để đưa Sài Gòn Co.op phát triển.

Cũng trở về từ khóa đào tạo Thạc sĩ Quản trị nguồn nhân lực tại Australia theo chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM (SN 1981) tiếp tục cống hiến cho công tác Đoàn và sau đó được tin tưởng bố trí nhiều vị trí công tác quan trọng tại cơ sở: Từ Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Bình Thạnh rồi Bí thư Quận ủy quận 9 và hiện nay là Giám đốc Sở TT-TT TPHCM. Các kiến thức được học đã cung cấp nền tảng cơ bản để ông ứng dụng trong công việc. Ông Lâm Đình Thắng chia sẻ, được đào tạo từ nguồn ngân sách thành phố, được lãnh đạo thành phố gửi gắm và đặt niềm tin, bản thân ông luôn nỗ lực cống hiến hết mình sau khi trở về để mỗi vị trí, mỗi phần việc đều xứng đáng với những gì thành phố đã trao.

Những kiến thức từ chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh quốc tế tại Australia cũng đã hỗ trợ ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, rất nhiều trong công tác chuyên môn. Theo ông Phạm Trung Kiên, tham gia khóa đào tạo, được học tập trong môi trường quốc tế, tiếp cận với nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, trình độ kiến thức sâu rộng đã tạo cho ông những nhận thức mới, kênh tham khảo hữu ích và một tư duy mở, sáng tạo hơn khi tìm giải pháp cho các vấn đề được đặt ra.

“Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM đã giúp tôi hoàn thiện bản thân, trao cho tôi cơ hội để được đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. Ở góc độ chung, đến nay, hầu hết cá nhân tham gia chương trình đào tạo trên đều gắn bó với thành phố, trở thành những cán bộ tham mưu, cán bộ lãnh đạo quan trọng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM như mục tiêu chương trình đã đề ra”, ông Phạm Trung Kiên chia sẻ.

TPHCM đang định hướng phát triển giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt hiện nay là việc tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Để khơi dậy khát vọng, sức sáng tạo của nhân dân, phát huy tối đa yếu tố con người, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Đề án 01 về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ, lãnh đạo tương lai của đất nước. Theo đề án, thành phố xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, thu hút và trọng dụng tài năng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trẻ; đào tạo nguồn cán bộ trẻ; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng chất nguồn nhân lực, trong đó chú trọng xây dựng nguồn nhân lực còn thiếu để xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý. TPHCM phấn đấu đến năm 2025 thu hút ít nhất 50 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ; tuyển chọn và cử đào tạo ít nhất 10 tiến sĩ, 100 thạc sĩ; tuyển chọn ít nhất 50 công nhân theo chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo xuất thân từ công nhân.

Tin cùng chuyên mục