
Thư của bà con ở ấp Xóm Chùa (xã An Phú, huyện Củ Chi TPHCM) phản ánh việc chính quyền địa phương lấy đất công đồng mả (đất nghĩa trang) cấp cho một số người để khai thác sử dụng bất hợp pháp. Chúng tôi đã tìm đến ấp này để tìm hiểu sự thật...

Nhiều ngôi mộ bị phả lấp để trồng cao su tại khu đồng mả ấp Xóm Chùa.
Nhiều người dân cho biết, khu đất đồng mả rộng hơn 2 ha ở ấp Xóm Chùa đã tồn tại trên 100 năm. Đây là nơi chôn cất những người dân địa phương khi qua đời, trong đó có nhiều mộ liệt sĩ.
Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, bom đạn của kẻ địch đã dội xuống mảnh đất này làm một số ngôi mộ không còn nguyên vẹn. Số mồ mả khác bị đất phả bằng, chỉ còn nhận dạng qua tấm bia mộ, những cục đá ong ló lên mặt đất.
Lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Trúng (ở ấp Xóm Chùa) đã bao chiếm dần khu đất đồng mả, san lấp một số mộ để trồng cao su. Sau đó bà Trúng còn xây tường rào bao bọc, dựng cổng gắn một tấm bảng lớn ghi dòng chữ “Nghĩa trang gia đình”.
Khi người dân vào để sửa sang lại phần mộ ông, bà của mình thì bị gia đình bà Trúng ngăn cản và còn thách đố người dân đi thưa. Người dân khiếu nại đến chính quyền địa phương, mới phát hiện, phần đất mộ này đã được bà Trúng làm thủ tục và được cấp giấy chủ quyền (!?). Không riêng trường hợp của bà Trúng, một số hộ khác lấn chiếm đất đồng mả cũng được cấp giấy chủ quyền.
Hộ của bà Hồ Thị Lất (chị của ông Hồ Quang Triết, Phó chủ tịch xã An Phú) cũng đã lấn chiếm một phần đất có nguồn gốc là đất đồng mả để trồng cây lâu năm. Sau khi bà Lất chết, các con của bà đã sử dụng phần đất này để ở, canh tác và bán lại cho nhiều người khác.
Hộ ông Nguyễn Văn Kìa cũng bao chiếm phần đất đồng mả và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi lo xong giấy tờ, ông Kìa cho người đào hầm hố tại khu đất để lấy đất bán cho các đơn vị thi công đường nông thôn. Trước khiếu nại của người dân, việc bán đất mặt bị đình chỉ và ông Kìa quay qua trồng cao su trên khu đất mộ này.
Trao đổi với ông Châu Văn Danh, Trưởng ban nhân dân ấp Xóm Chùa, ông xác nhận các vấn đề người dân phản ánh nêu trên cũng như trong nội dung đơn khiếu nại của người dân là có thật. Ông Danh cho biết, còn có 2 hộ khác nữa là hộ ông Hồ Quang Khanh và ông Hồ Hữu Ân cũng có phần đất bao chiếm đất mộ và cũng đã được cấp giấy chủ quyền. Đáng nói hơn là nhiều phần mộ của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng bị những người nêu trên bao chiếm trồng cao su.
Được biết, thời gian qua, người dân ấp Xóm Chùa đã nhiều lần có đơn kiến nghị lên UBND xã An Phú, huyện Củ Chi yêu cầu giải quyết vụ bao chiếm đất nghĩa địa, cấp giấy chủ quyền sai quy định, nhưng UBND xã vẫn chưa có văn bản nào trả lời khiếu nại cho người dân. Sau nhiều lần tiếp tục gởi đơn, ngày 29-6-2006, lãnh đạo UBND xã An Phú có cuộc họp tại ấp Xóm Chùa và thừa nhận nguồn gốc đất mà các hộ đang trồng cao su là đất đồng mả.
Sau khi đi thực tế tại khu đất đồng mả, chúng tôi trao đổi vấn đề này với bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, Chủ tịch UBND xã An Phú. Bà Thúy cho biết, UBND xã đã có văn bản báo cáo vấn đề này với UBND huyện Củ Chi. Mới đây, UBND huyện có công văn đề nghị xã xác minh, thẩm tra thêm một số trường hợp bao chiếm đất đồng mả, cấp đất sai quy định để tiến hành các thủ tục thu hồi theo luật quy định.
PV Báo SGGP tiếp tục theo dõi để phản ánh cách giải quyết tiếp theo của chính quyền địa phương.
TRẦN THANH