Đất dữ hóa lành

Đối diện Bến xe Miền Đông, một thời gian dài, các con hẻm là vùng đất dữ! Cướp giật công khai, hút chích, bài bạc, mua bán dâm tràn lan… Với tinh thần chủ công, lấy nhân dân làm cơ sở, chính quyền địa phương đã từng bước chuyển hóa vùng đất này. Đường bê tông, trải nhựa phẳng phiu thay cho con đường đất đỏ quanh ao rau muống. Hẻm phố khang trang, sạch đẹp, nhà cửa hiện đại san sát… đã tạo nên diện mạo mới cho vùng đất nhiều tệ nạn năm xưa!

Ổ tệ nạn một thời 

Bến xe An Đông là tiền thân của Bến xe Miền Đông trải dài trên đường Lê Hồng Phong, quận 10. Sau ngày đất nước thống nhất, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn Gia Định đã giao cho ngành giao thông vận tải tiếp quản, tổ chức điều hành vận tải giao lưu thông thương hàng hóa và hành khách giữa 2 miền Nam Bắc.

Năm 1981, chính quyền thành phố quyết định chuyển Bến xe An Đông về phường 26, quận Bình Thạnh. Bến xe có mặt tiền là Quốc lộ 13, vị trí cửa ngõ phía Đông của thành phố. Thời điểm bấy giờ, khu vực này vẫn còn nhiều ruộng lúa, đất nông nghiệp hoang hóa. Vùng nông thôn yên bình bỗng náo nhiệt với hàng trăm phương tiện vận chuyển hành khách qua lại ngày đêm. 

Trải dài Quốc lộ 13, hàng chục nhà nghỉ, phòng trọ, quán ăn… hối hả dựng lên để tiếp đón hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Nhưng, đó chỉ là mặt tiền. Phía trong vẫn còn hoang sơ với lộ đất đỏ ngoằn ngoèo dẫn đến những xóm nhà xiêu vẹo.

Đất dữ hóa lành ảnh 1 Quốc lộ 13B, đoạn qua bến xe Miền Đông được nâng cấp, mở rộng

Ông Trần Lâm, 54 tuổi, ngụ hẻm 685 Xô Viết Nghệ Tĩnh, cho biết: “Tôi rời quê, lên Sài Gòn sinh sống bằng đủ thứ nghề và trôi dạt về xóm này vào khoảng năm 1981. Lúc đó, chưa có Bến xe Miền Đông. Cả vùng là các ao rau muống, rất ít nhà cửa. Tôi dựng tạm một căn chòi trên đất trống. Kể từ khi Bến xe Miền Đông hoạt động, vùng này mất trật tự an ninh lắm. Các thành phần bất hảo tập trung về đây hoạt động náo nhiệt đêm ngày. Ngày nào cũng có khách đi đường bị bọn chúng cướp túi xách, móc túi, thấy thương lắm! Hầu như sáng nào thức dậy, tôi cũng thấy bóp giấy tờ quăng vung vãi trong bụi rậm hay trên lộ đất. Tôi nhặt và đem về đồn công an trình báo”.

Từ đáng sợ thành đáng sống

Những năm 90 của thế kỷ trước, trấn áp tội phạm, chuyển hóa địa bàn trở thành phong trào quần chúng được người dân nhiệt tình ủng hộ. Đưa mắt nhìn về Bến xe Miền Đông, ông Trần Thống, 64 tuổi, nhà ở hẻm 232 Quốc lộ 13, bồi hồi cho biết: “Bây giờ ở hẻm tôi, nhiều nhà đã gắn camera nên tình hình ổn định lắm.

Thời điểm đó, phương tiện liên lạc còn hạn chế, ngay cửa nhà nào cũng có cây gậy để tự phòng thân. Cứ nghe tiếng tri hô là tụi tôi nhào ra dí bắt, truy đuổi. Lúc đó còn trẻ và dũng cảm lắm! Công an phường 26, quận Bình Thạnh hỗ trợ rất nhiệt tình. Có chuyện gì là các chú có mặt để giải quyết ngay. Bọn trộm cướp không còn đất sống đã trôi dạt đi nơi khác. Các nhà trọ, phòng nghỉ cũng được chấn chỉnh quyết liệt. 

Chục năm trở lại đây, phường 26, quận Bình Thạnh nói chung và khu vực đối diện Bến xe Miền Đông nói riêng đã được đô thị hóa nhanh chóng. Ao rau muống được lấp toàn bộ, đất nông nghiệp hoang hóa không còn. Nhà cửa dựng xây san sát. Hàng loạt công trình phúc lợi, dân sinh với tiêu chí “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã được dựng xây hối hả. Các hẻm lớn được trải nhựa, hẻm nhỏ tráng xi măng phẳng phiu đã góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng đất dữ năm xưa.

Đứng tại căn nhà vừa xây dựng xong ở mặt tiền Quốc lộ 13, bà Nguyễn Thị Hương, 69 tuổi, cười vui, cho biết: “Đến ngày hôm nay, không ai có thể hình dung được sự thay đổi của khu vực này. Quốc lộ 13 ngày đó nhỏ như sợi chỉ, 2 xe ô tô đối đầu nhau thì phải chạy chậm để tránh. Hơn chục năm nay, Quốc lộ 13 đã được mở rộng. Cầu đường cũng được xây dựng khang trang. Nhiều người dân đã đổi đời, có cuộc sống no đủ. Nhà cửa khang trang, đường hẻm rộng đẹp, sạch sẽ, sáng rực ánh đèn về đêm và tệ nạn lùi xa”.

Ông Trần Minh Hiếu, Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh, cho biết: “Khu vực đối diện Bến xe Miền Đông từ vùng đất đáng sợ đã thành nơi đáng sống. Nay mai Bến xe Miền Đông dời đi, khu vực này sẽ càng thêm thị tứ”. Sáng sáng, chiều chiều đi dạo công viên dọc bờ kè kênh Thanh Đa thụ hưởng không khí trong lành, ít ai ngờ rằng sự đổi thay lại nhanh như vậy. Vùng đất dữ hồi sinh với sức sống và nội lực rất ổn định, vững bền! 

Tin cùng chuyên mục