Dấu ấn nông thôn mới ở Xuân Lộc

Giữa tháng 3-2024, chúng tôi có dịp về Xuân Lộc - huyện đầu tiên của Đồng Nai và thứ 3 của cả nước được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Không còn nhận ra dấu tích chiến tranh của cánh cửa thép bảo vệ Sài Gòn 49 năm trước, thay vào đó là những tuyến đường được quy hoạch bài bản, khang trang và những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.

Từ trung tâm thị trấn Giá Ray đến Xuân Bắc vốn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Xuân Lộc, hầu hết các tuyến đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa đến từng ngõ, ấp tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.

Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, UBND huyện Xuân Lộc xác định đầu tư hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Và trong giai đoạn 2015-2023, địa phương bỏ vốn đầu tư 1.077,45 tỷ đồng xây dựng 93,1km đường huyện và 134,14m cầu và riêng trong năm 2023 có 7 tuyến đường huyện dài 35,16km được hoàn thành với kinh phí 518,7 tỷ đồng.

Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ sầu riêng xã Xuân Tâm có 29 nông hộ trồng sầu riêng Dona với diện tích 78ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà con dùng phân hữu cơ để bón cho cây, để cỏ tự nhiên giữ ẩm, chống xói mòn đất và ưu tiên dùng thuốc sinh học trừ nấm, dưỡng cây nên vườn sầu riêng xanh tốt, thân cành to khỏe và sạch sâu bệnh. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Sinh chia sẻ, hiện sầu riêng giá 74.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm thu về 1 tỷ đồng/ha nên đời sống kinh tế của các nông hộ này nâng cao và được bà con nông dân trong, ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

ong-nguyen-van-sinh-giam-doc-htx-thuong-mai-dich-vu-sau-rieng-xa-xuan-tam-huyen-xuan-loc-ben-vuon-sau-rieng-cua-gia-dinh-6220.jpg
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ sầu riêng xã Xuân Tâm, bên vườn sầu riêng của gia đình

Sầu riêng không lo đầu ra, tiểu thương ép giá vì đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, dự án cánh đồng lớn hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu thuộc các xã Xuân Thọ, Xuân Hiệp, Xuân Trường, Suối Cao, Suối Cát, Lang Minh được phê duyệt năm 2016, quy mô 265,21ha với 305 hộ dân. Điều đáng mừng là, sản phẩm của một số HTX đã được ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với các công ty thu mua nông sản, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, được người tiêu dùng tin tưởng.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp nâng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp lên 211,6 triệu đồng/ha, tăng hơn 96 triệu đồng so với năm đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện hiện có 36 sản phẩm OCOP, đảm bảo mỗi xã có 1-2 mô hình nông nghiệp kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 83 triệu đồng/năm, tăng 45,9 triệu đồng so với năm 2015, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Theo thông tin từ UBND huyện Xuân Lộc: Sau 9 năm thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 thị trấn đạt các tiêu chí đô thị văn minh, phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để hoàn thành mục tiêu, huyện đang ưu tiên huy động tốt mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tạo ra thương hiệu hàng hóa, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhằm đảm bảo Chương trình nông thôn mới phát triển ổn định, rộng khắp và bền vững trên địa bàn.

Xuân Lộc đang triển khai Đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025” tập trung xây dựng các vùng chuyên canh, sản phẩm có khả năng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng xã.

Tin cùng chuyên mục