Trong những ngày 11, 14, 15-11, tại Trường THPT Marie Curie, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo và Trường Tiểu học Việt - Mỹ, các nghệ sĩ của Sân khấu kịch Hồng Vân đã lần lượt trình diễn sôi nổi, vui tươi và hấp dẫn những câu chuyện tuyên truyền sinh động về an toàn giao thông (ATGT). Chương trình sân khấu học đường đặc biệt này nằm trong dự án “Kết nối cộng đồng”, do Sở VH-TT-DL, Sở GD-ĐT, Công ty cổ phần Sân khấu và điện ảnh Vân Tuấn cùng Sân khấu kịch Hồng Vân phối hợp thực hiện.
“Nóng” với tiểu phẩm về ATGT
Sáng 14-11, tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), hơn 1.700 học sinh đã có những giây phút vui cười sảng khoái khi giao lưu cùng người dẫn chương trình - nghệ sĩ Hòa Hiệp, tham gia đố vui có thưởng và thưởng thức vở kịch ngắn vui nhộn, ý nghĩa do các nghệ sĩ: Lê Quốc Nam, Ốc Thanh Vân, bé Minh Tâm, Tiến Thành, Văn Lộc, Mai Phương… trình diễn.
Vở kịch kể về gia đình bé Tâm, người cha (Lê Quốc Nam) hiểu luật giao thông rất bập bõm, chuyên phóng nhanh, vượt ẩu, từng bị tai nạn giao thông vài lần mà không sợ. Đã vậy, nhân ngày sinh nhật mẹ bé Tâm (Ốc Thanh Vân), người cha lại mua tặng mẹ Tâm chiếc xe máy phân khối lớn, dù mẹ bé Tâm không hề biết chạy xe, cũng chưa học luật giao thông đường bộ bao giờ. Hậu quả của chuyến thử xe đầu đời đã khiến tai nạn giao thông xảy ra…
Lồng trong vở kịch hài, các nghệ sĩ đã phản ánh sinh động vấn nạn lấn chiếm lòng lề đường, tình trạng chạy xe phân khối lớn không có bằng lái, sự thiếu hiểu biết về luật giao thông đường bộ của một số người để lại những hậu quả tai hại.
Đạo diễn, nghệ sĩ Lê Quốc Nam chia sẻ: “Xây dựng chương trình cho học sinh tiểu học thật khó. Mình làm tuyên truyền, vận động theo chủ đề, nếu làm không khéo thì tác phẩm sẽ khô khan, các em không thích và khó tiếp thu. Thế nên, với khán giả nhỏ tuổi, chỉ có thể dùng hình thức biểu diễn nghệ thuật vui tươi, dí dỏm cùng sự góp mặt trình diễn của các diễn viên, nghệ sĩ được các em yêu thích để lôi cuốn các em”.
Thầy Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo cho biết: “Nhà trường rất mừng khi một dự án có tính tuyên truyền cao được tổ chức dành cho học sinh. Từ nhiều năm qua, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ tổ chức các buổi tuyên truyền, báo cáo, thông tin ATGT trên địa bàn TP cũng như ATGT trước cổng trường, qua đó, nhắc nhở các em khi tham gia lưu thông trên đường nên có ý thức bảo vệ mình và mọi người xung quanh. Nay, với dự án Kết nối cộng đồng, thông qua vở kịch vui tươi, ý nghĩa, nhà trường hy vọng sẽ góp phần giáo dục vấn đề ATGT cho các em học sinh và lan tỏa rộng hơn đến các bậc phụ huynh”.
Sáng 15-11, tại Trường Tiểu học Việt - Mỹ (quận Bình Thạnh), nghệ sĩ Minh Nhí cùng các diễn viên, nghệ sĩ Sân khấu kịch Hồng Vân tiếp tục tạo nên những tình huống bất ngờ, kịch tính, vui nhộn, lôi cuốn bao ánh mắt, tâm hồn trẻ thơ trong một vở kịch về ATGT.
Dự án vì cộng đồng
Dự án Kết nối cộng đồng có bốn chuyên đề tuyên truyền: An toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị, giao tiếp học đường, sẽ lần lượt được đầu tư dàn dựng, tuyên truyền cho học sinh TP.
Với chủ đề đầu tiên ATGT, các nghệ sĩ Sân khấu kịch Hồng Vân biểu diễn tuyên truyền tại 30 trường THPT và tiểu học ở các quận nội đô. Một khi các em có ý thức tốt về vấn đề ATGT cho bản thân mình, các em sẽ lại là những tuyên truyền viên năng động, sôi nổi, tiếp tục truyền đạt lại những cảm nhận, suy nghĩ về vấn đề ATGT cho người thân trong gia đình, bạn bè xung quanh. Sau chuyên đề đầu tiên, các chuyên đề sau tiếp tục được thực hiện rộng khắp các quận, huyện nội - ngoại thành.
Tâm huyết với dự án Kết nối cộng đồng, NSND Hồng Vân chia sẻ: “Khi bắt tay thực hiện dự án, tôi nhắm đến cái lợi trước mắt là giúp các em học sinh thẩm thấu, nhận thức hiệu quả những vấn đề về chính trị - văn hóa - xã hội một cách nhẹ nhàng, không gượng ép, để các em tiếp nhận, cập nhật những sự kiện, vấn đề nóng hổi trong cuộc sống đời thường xung quanh các em, từ ATGT, bảo vệ môi trường, ứng xử trong giao tiếp… Mặt khác, tôi cũng chú tâm nhiều đến cái lợi lâu dài là đào tạo thế hệ khán giả kế thừa của sân khấu kịch nói TPHCM, tránh để rơi vào tình trạng như sân khấu cải lương, tuồng cổ, chèo đã và đang mất dần khán giả trẻ”.
Ê kíp thực hiện dự án đã kịp thời nắm bắt tâm lý của khán giả thanh thiếu niên và nhi đồng để chọn lọc, đầu tư dàn dựng các vở kịch dựa trên những câu chuyện có thật. Chính hiệu quả từ những câu chuyện thực tiễn đã góp phần không nhỏ tạo nên sự khác biệt, độc đáo cho từng kịch bản.
THÚY BÌNH