“Đau đầu” với trái cây Trung Quốc

Vừa qua, theo báo cáo của Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, một số loại trái cây Trung Quốc có dư lượng hóa chất deltamethrin (chất độc diệt côn trùng theo đường tiếp xúc) và thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Trong lúc trái cây Trung Quốc vẫn “hoành hành” trên thị trường Việt Nam, đáng lo ngại là để phân biệt với trái cây nội địa, ngay cả người trong cuộc cũng “bó tay” huống hồ người tiêu dùng.
“Đau đầu” với trái cây Trung Quốc

(SGGP-TB).- Vừa qua, theo báo cáo của Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, một số loại trái cây Trung Quốc có dư lượng hóa chất deltamethrin (chất độc diệt côn trùng theo đường tiếp xúc) và thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Trong lúc trái cây Trung Quốc vẫn “hoành hành” trên thị trường Việt Nam, đáng lo ngại là để phân biệt với trái cây nội địa, ngay cả người trong cuộc cũng “bó tay” huống hồ người tiêu dùng.

Hàng trăm tấn vào Việt Nam mỗi ngày

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, mỗi ngày chợ này tiêu thụ khoảng 2.500 tấn trái cây các loại, trong đó có khoảng 100 tấn có nguồn gốc Trung Quốc. Loại trái cây được nhập phổ biến từ Trung Quốc vẫn là quýt, cam, lựu, nho, táo, ổi, dưa hấu... Tương tự, trong khoảng 1.000 tấn trái cây về chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn mỗi tuần có hàng trăm tấn trái cây nguồn gốc Trung Quốc. Ngoài ra, còn một lượng lớn trái cây Trung Quốc theo đường tiểu ngạch vào thị trường Việt Nam.

Người tiêu dùng khó phân biệt đâu là trái cây nội, đâu là trái cây Trung Quốc

Người tiêu dùng khó phân biệt đâu là trái cây nội, đâu là trái cây Trung Quốc

Trao đổi với chúng tôi, một tiểu thương trong chợ nông sản Thủ Đức cho biết: “Thời gian gần đây, sức tiêu thụ trái cây Trung Quốc đã giảm nhẹ, khi xuất hiện nhiều thông tin trái cây nước này gây nguy hại sức khỏe. Để bán được hàng, một số tiểu thương sau khi lấy trái cây Trung Quốc về liền lột “mác Tàu” ra để bán lẫn với trái cây nhập từ nước khác”!?

Theo ghi nhận của chúng tôi, ưu điểm của trái cây Trung Quốc so với trái cây các nước là giá rẻ bèo. “Nho Mỹ” nhập từ Trung Quốc (giá 35.000 - 40.000đ/kg) chỉ bằng một nửa so với giá nho Mỹ nhập từ New Zealand (85.000 - 90.000đ/kg). Bên cạnh đó, hình thức bắt mắt cũng là một trong những lý do kích thích người tiêu dùng tiêu thụ trái cây Trung Quốc. Điều đáng nói , đại đa số người tiêu dùng khi được hỏi đều cho biết: “Chỉ vào siêu thị mới biết đâu là trái cây Trung Quốc (có dán nhãn), còn mua ở ngoài chợ thì… chịu”.

Chị Trần Thị Anh Đào, một tiểu thương kinh doanh trái cây tại chợ Bến Thành, Q.1, TPHCM, khẳng định: “Người tiêu dùng phải có kinh nghiệm và thật tinh mắt thì mới phân biệt được trái cây có sử dụng chất bảo quản”. 

Chị Đào “bật mí”, những loại táo to, đẹp đang bày bán trên thị trường chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Cam ngoại trên thị trường hiện nay chủ yếu cũng nhập từ Trung Quốc, chứ không phải cam Mỹ, Australia như người bán quảng cáo. Loại cam này quả rất to, bọc trong lưới, có màu vàng cam không tự nhiên do bị tẩm hóa chất. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng thường nhầm quýt Trung Quốc với loại quýt chum nội địa. Quýt nội thường vỏ mỏng, nám; còn quýt Trung Quốc vỏ dày, bị đánh bóng, khi bóc ra, múi quýt thường khô. Cũng theo chị Đào, muốn an toàn nên mua quýt chính vụ của Việt Nam thu hoạch từ tháng 10 đến khoảng tháng 2 năm sau, trong lúc quýt Trung Quốc có quanh năm.

Còn hồng Trung Quốc có chất bảo quản thường có vỏ rất đẹp, đỏ đậm (do bị bôi phẩm màu), để được lâu. Hồng Đà Lạt xấu mã hơn, cuống có nhiều đốm đen, bóc ra thấy phần ruột gần cuống bị cứng. Tương tự, phần lớn dưa hấu trên thị trường (loại vỏ vàng, ruột vàng) là của Trung Quốc nhưng các tiểu thương thường gắn mác Australia, New Zealand… để dễ tiêu thụ. Loại hoa quả này thường bị tiêm nước đường hóa học vào ruột nên sau khi bổ ra vài tiếng, ruột thường bị nhũn.

Nên ưu tiên dùng trái cây Việt Nam

Điều đáng nói là trong khi các nước trên thế giới cảnh báo người dân không nên ăn trái cây Trung Quốc vì dư lượng thuốc trừ sâu nhiều, có chất gây ung thư, thì báo cáo mới nhất của đoàn kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với rau củ quả tại ba chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, lại cho kết quả rất… khả quan.

Theo đó, đoàn đã lấy và phân tích định tính thuốc bảo vệ thực vật của 4.957 mẫu rau củ quả các loại, trong đó có 26 loại trái cây Trung Quốc. Kết quả phân tích chỉ có 133 mẫu dương tính. Kiểm tra định lượng thuốc bảo vệ thực vật của 133 mẫu này, cơ quan chức năng cho biết, không có mẫu vượt mức cho phép!?

Những loại trái cây bắt mắt thường có nguồn gốc từ Trung Quốc

Những loại trái cây bắt mắt thường có nguồn gốc từ Trung Quốc

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, cho biết thêm: “Trái cây Trung Quốc qua cửa khẩu, nhập về các chợ đầu mối như Nông sản Thủ Đức, Bình Điền… đảm bảo theo đúng quy trình là phải có tem kiểm định chất lượng hàng hóa cũng như phiếu xuất kho, nên nguồn gốc trái cây được đảm bảo. Riêng trái cây của các hợp tác xã đi theo đường tiểu ngạch mới “có vấn đề” vì không ai kiểm soát được chất lượng đầu vào”.

Một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cũng tỏ ra nghi ngại về kết quả giám định của đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố. Vị này cho biết, trong nhiều lần kiểm tra các vựa trái cây, trái cây nội chỉ để một vài ngày đã hư hỏng, trong khi đó, nhiều loại trái cây gắn mác Trung Quốc để… hai tháng vỏ vẫn tươi rói. Làm sao một loại trái cây có thể “ngon lành” trong nhiều tháng nếu không có chất bảo quản?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Đài, Phó Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết: “Chúng tôi cũng đã nghe thông tin về việc trái cây Trung Quốc dán mác trái cây các nước để mang vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Quản lý thị trường TPHCM chưa phát hiện được trường hợp nào cụ thể”. Theo ông Lê Xuân Đài, việc phân biệt trái cây Trung Quốc hoàn toàn không dễ dàng, chỉ có người bán mới biết. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, người Việt Nam nên ưu tiên dùng trái cây Việt Nam, bởi nhiều loại trái cây Việt Nam rất ngon, giá lại thấp hơn nhiều so với trái cây ngoại”.

HƯƠNG GIANG

Tin cùng chuyên mục