Đấu giá sách và câu chuyện “độc bản”

Trong khuôn khổ triển lãm thơ - nhạc “Nàng thơ thuở ấy” (diễn ra từ ngày 13 đến 15-12 tại Đường sách TPHCM), một chương trình đấu giá sách nhằm ủng hộ Quỹ Hoa Sen để thực hiện chương trình “Vươn tới chân trời” đã được diễn ra.
Tập thơ Quê ngoại của Hồ Dzếnh là một trong những ấn phẩm thượng hạng hiếm hoi còn sót lại
Tập thơ Quê ngoại của Hồ Dzếnh là một trong những ấn phẩm thượng hạng hiếm hoi còn sót lại

Sự kiện đấu giá sách được tổ chức vào tối 15-12 với tác phẩm Thú chơi sách của học giả Vương Hồng Sển, do NXB Tự Do ấn hành năm 1961 (bản in lần đầu). Tác phẩm có khả năng khơi gợi hứng thú săn lùng các trước tác cũ, quý hiếm và là cuốn cẩm nang không thể thiếu đối với bất kỳ tay chơi sách nào. Cùng với đó là 3 tập thơ đóng chung của Vũ Hoàng Chương gồm: Mây, Hoa đăng và Trời một phương. Sách có thủ bút, chữ ký của tác giả; trong đó, tập thơ Mây là bản in lần 2, còn Hoa đăng và Trời một phương là bản in lần đầu.

Kết thúc phiên chương trình, số tiền ban tổ chức thu được cho các cuốn sách đấu giá là 85 triệu đồng; trong đó, Thú chơi sách của học giả Vương Hồng Sển được bán với giá 35 triệu đồng. Còn bộ sách của thi sĩ Vũ Hoàng Chương có giá 50 triệu đồng. Đặc biệt, đồng cảm với mục tiêu của chương trình, một bạn đọc đã đóng góp thêm 5 triệu đồng, nâng tổng số tiền thu được là 90 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được trao cho TS Quách Thu Nguyệt, đại diện của Quỹ Hoa Sen, nhằm hỗ trợ các sinh viên, giáo viên trong các dự án hoạt động nghiên cứu văn hóa, khoa học.

Triển lãm “Nàng thơ thuở ấy” kết hợp đấu giá sách là sự kiện lần thứ 5 và thường niên do Quán Sách Mùa Thu tổ chức.

Những năm gần đây, phong trào chơi sách xưa, sách quý diễn ra khá sôi nổi, nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Đại diện Quán Sách Mùa Thu cho biết, đây là quá trình cực kỳ tốn thời gian và công sức. Bởi không chỉ có tiền mới mua được sách, mà cần phải có kiến thức, phải tìm tòi và đam mê với nó. Và đặc biệt, việc định danh như thế nào là sách quý hiếm, định giá như thế nào là vấn đề mà không phải ai cũng biết.

Theo những người trong giới sưu tầm và yêu thích sách quý hiếm, những cuốn sách xuất bản trước năm 1975 hiện đang có giá khá cao. Và đặc biệt, số tiền này sẽ tiếp tục tăng lên nữa với những bản sách có kèm chữ ký, thủ bút của chính tác giả hay những cuốn sách được xem là “độc bản”. Tuy nhiên, thế nào là sách độc bản và liệu những cuốn sách được gọi là quý hiếm đó có thực sự là sách thật hay không? Bởi lẽ, khác với tranh, có những chuyên gia giám định để chỉ ra tranh thật và tranh giả, nhưng với sách thì không. Đại diện Quán Sách Mùa Thu lý giải: “Thực ra, giá trị của tranh cao hơn sách rất nhiều. Thêm nữa, một họa sĩ có thể vẽ một bức tranh, thì bức tranh đó đã mặc nhiên được xem là độc bản, còn một cuốn sách có thể in vài ngàn bản. Hiện nay tranh bị làm giả còn những đầu sách thuộc sách xưa quý hiếm ở Việt Nam thì chưa bởi giá trị sách còn chưa cao đến mức người ta phải làm giả nó”.

Về khái niệm “độc bản”, đại diện Quán Sách Mùa Thu cho rằng, mỗi cuốn sách có một số phận, một câu chuyện của riêng nó. Chẳng hạn, với Thú chơi sách dù được xuất bản cách đây gần 60 năm nhưng chưa được coi là độc bản, vì đây chỉ đơn thuần là bản in lần đầu tiên và có thể sẽ còn rải rác ở đâu đó, chưa phải là tuyệt bản. Trong khi đó, đối với 3 cuốn của Vũ Hoàng Chương thì có thể xem là độc bản bởi sách có thủ bút và lời đề tặng của tác giả tặng một nhà văn nổi tiếng.

Tin cùng chuyên mục