Vụ phế truất Tổng thống Paraguay

Dấu hiệu đảo chính

Cái cớ của phe đối lập
Dấu hiệu đảo chính

Cuối tuần qua, Tổng thống Paraguay Fernando Lugo bị phế truất theo một trình tự được cho là vi hiến. Các quốc gia láng giềng đã đồng loạt phủ nhận chính phủ mới do Phó Tổng thống Federico Franco (phe đối lập) giữ vị trí tân tổng thống…

Phó Tổng thống Federico Franco trở thành Tổng thống Paraguay theo Hiến pháp nước này. Ảnh: AFP

Phó Tổng thống Federico Franco trở thành Tổng thống Paraguay theo Hiến pháp nước này. Ảnh: AFP

Cái cớ của phe đối lập

Quá trình Hạ viện Paraguay thông qua quyết định khởi động tiến trình luận tội Tổng thống Fernando Lugo (ngày 20-6) với số phiếu gần như tuyệt đối cho đến khi Thượng viện nước này bỏ phiếu bãi nhiệm ông (ngày 22-6) diễn ra quá nhanh. Cáo buộc phế truất Tổng thống Fernando Lugo là do ông thiếu trách nhiệm trong việc thực thi chức trách. Cụ thể, phe đối lập chiếm đa số trong Quốc hội lấy cớ ông quá nhẹ tay trong việc xử lý 150 nông dân tại một khu bảo tồn (ở Đông Bắc Paraguay, vốn là một phần tài sản của một chính trị gia thuộc đảng Colorado phản đối Tổng thống cánh tả Fernando Lugo) khi họ phục kích lực lượng cảnh sát đến đây cưỡng chế thu hồi đất hồi tuần trước. Vụ đụng độ khiến 7 sĩ quan cùng 10 nông dân thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Ông Lugo tuyên bố ủng hộ việc dùng quân đội để ra tay chấm dứt bạo lực. Tuy nhiên, thái độ của ông vẫn bị phe đối lập cho là quá nhẹ và họ chớp lấy để đẩy ông đến tình thế bị phế truất.

Phản ứng trước quyết định của Thượng viện, ông Lugo đồng ý rời ghế tổng thống nhưng cảnh báo nền dân chủ Paraguay đang bị tổn thương nghiêm trọng. Cần nhắc lại, ông Lugo từng làm giám mục trước khi được đắc cử Tổng thống Paraguay năm 2008. Ông đã cam kết nỗ lực hết sức giúp đỡ người nghèo và phân phối đất đai một cách công bằng đối với tầng lớp nông dân vốn còn 87.000 người cần đất sản xuất nông nghiệp. Paraguay là quốc gia sản xuất đậu nành lớn thứ tư trên thế giới. Các cuộc tranh chấp đất giữa nông dân và điền chủ đã gia tăng trong những năm gần đây khi nông dân muốn có thêm đất để trồng loại nông sản vốn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này. Tuy nhiên, gần đến thời điểm mãn nhiệm kỳ của mình (năm 2013), ông Lugo vẫn chưa cho thấy những thành tựu rõ ràng về cải cách đất đai, kỳ vọng lớn nhất của nông dân đối với ông do gặp sự cản trở quá lớn từ phe đối lập đang kiểm soát Quốc hội.

Láng giềng phản ứng mạnh

Tổng thư ký Liên minh các nước Nam Mỹ Ali Rodriguez cho rằng: “Ngoại trưởng các nước trong khu vực đã xem xét phán quyết do Thượng viện Paraguay đưa ra. Căn cứ theo Điều 1, 5 và 6 của Hiệp định bổ sung từ Hiệp ước hiến pháp của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) về việc cam kết với nền dân chủ, phiên xét xử đã không tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo, không cho bị cáo có thời gian bào chữa và không tôn trọng quy trình”.

Các nước láng giềng đồng loạt tuyên bố không công nhận chính phủ mới của Paraguay đồng thời cho rằng đây chính là một cuộc đảo chính và cho biết sẽ vận động để đưa ra biện pháp trừng phạt đối với Paraguay. Trong số đó có những quốc gia là đồng minh truyền thống của Paraguay như Bolivia, Nicaragua và Venezuela cũng như các chính phủ trung hữu như Argentina và Chile. Phản ứng mạnh nhất là Argentina với thông báo triệu hồi đại sứ tại Paraguay trong ngày Thượng viện nước này đưa ra phán quyết. Sau đó, ngày 23-6, Brazil cũng triệu đại sứ tại Paraguay về nước tham vấn. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cũng cho biết với việc Paraguay vi phạm điều khoản về dân chủ, nước này có thể sẽ bị khai trừ khỏi Liên minh các nước Nam Mỹ và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Hàng ngàn người ủng hộ Tổng thống Lugo có mặt bên ngoài trụ sở Quốc hội, nơi diễn ra vụ xét xử dẫn đến đụng độ với cảnh sát, buộc cảnh sát phải sử dụng đạn cao su và hơi cay để giải tán.

Như Quỳnh (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục