

Phóng viên ảnh các báo tác nghiệp tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII. Ảnh: THÁI BẰNG
Phỏng vấn nguyên thủ trong phiên khai mạc mỗi kỳ họp Quốc hội luôn là một yêu cầu được đặt ra đối với các phóng viên theo dõi kỳ họp, bởi câu trả lời của các đồng chí luôn hàm chứa những định hướng quan trọng trong lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Vả lại, đó là một cơ hội hiếm hoi để tiếp cận được các vị lãnh đạo cao cấp vốn trăm công ngàn việc. Các đồng nghiệp nam ngày thường thật “dễ thương” và sẵn sàng giúp đỡ, nhưng những phút giải lao hiếm hoi quý báu giữa phiên họp này thì… đừng hy vọng!
Trong khi đó, tôi lại rất mong phỏng vấn được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ít nhất một câu hỏi “độc quyền”, bởi ai cũng biết ông đã từng gắn bó với TPHCM như thế nào. Đứng sau lưng ông, nhìn các đồng nghiệp vây cứng phía trước, với ít nhất hai chục chiếc máy ghi âm chìa ra, tôi quyết định nói to một cách “cầu may”: “Xin Chủ tịch nước một câu hỏi riêng cho Sài Gòn Giải Phóng”. Thật bất ngờ, ông quay lại, cười hiền hòa và hỏi: “Đâu, Sài Gòn Giải Phóng đâu?”. Nỗ lực của tôi đã được đền đáp. Quan trọng hơn, tôi hiểu ra rằng, uy tín mà tờ báo xây dựng được là “vốn liếng” vô giá của nhà báo trong quá trình tác nghiệp.
Lần khác, tôi có dịp đi công tác một loạt tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngán nhất vẫn là chuyện qua phà! Trong khi chỉ hơn nửa tiếng nữa là cuộc họp ở UBND tỉnh Bến Tre mà tôi muốn tham dự sẽ chính thức bắt đầu, chiếc xe con chở chúng tôi vẫn đang kẹt cứng ở phà Rạch Miễu! Tôi tuyệt vọng than thở với bác tài xế: “Mình trễ là cái chắc bác ơi”. Bác tài (thật sáng suốt!) bảo tôi: “Đưa thẻ nhà báo, tôi thử lên nói với mấy anh em coi phà”. Chỉ 10 phút sau, chiếc xe của chúng tôi đã được “mở luồng ưu tiên”. Không rõ bằng cách nào mà anh em coi phà đã điều khiển được cả khối xe cộ dồn dịch nhường chỗ cho chúng tôi. Không xúc động sao được! Bác tài thì cứ tấm tắc: “Tui lái xe bao nhiêu năm, chưa bao giờ qua phà “đã” như vậy”...
Anh Thư
Kỷ niệm vào nghề
...Ngày được giới thiệu vào ngồi họp giao ban cùng với các anh chị phóng viên đi trước, lớp phóng viên trẻ chúng tôi không khỏi tự hào khi được gia nhập đội ngũ những người làm báo đầy tài năng, mà tên tuổi của mỗi nhà báo đã trở thành “thương hiệu” riêng trên từng lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội…
Thấm thoắt đã hơn 20 năm trôi qua, giờ đây, lớp phóng viên đầu tiên của Báo SGGP đã nghỉ hưu gần hết, thế hệ PV lớp chúng tôi được “đôn lên” thành lớp PV gần như… già nhất cơ quan! Dẫu vậy, ngọn lửa yêu nghề trong chúng tôi vẫn luôn cháy bỏng. Chúng tôi vẫn đi và viết về những vấn đề bức xúc trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi luôn ý thức rõ làm báo là làm chính trị, do vậy phải dùng ngòi bút của mình để bảo vệ cái đúng, lên án cái sai, góp phần xây dựng xã hội. Cho đến tận bây giờ, dù nghề báo có nhiều gian nan vất vả, song tôi vẫn tự hào về cái nghề cao quý mà mình đã chọn. Chúng tôi luôn bảo nhau sống và làm việc cho xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Càng làm báo lâu năm, chúng tôi càng thấy viết được bài báo là rất khó. Thế nhưng, dù nghề báo khắc nghiệt đến đâu, thế hệ đàn em vẫn đang tiếp tục vào nghề…
Minh Ngọc
Càng viết, càng thấy… khó!
1- Sau hơn 10 năm theo dõi mảng thương mại - thị trường của Báo SGGP, tôi đã cảm nhận khá rõ viết về thị trường không đơn giản. Muốn viết về hoạt động của các chợ, nguồn thông tin từ các sở, ngành chức năng chỉ là điều kiện cần, muốn đủ ta cần phải có thông tin từ ban quản lý và đặc biệt là tiểu thương tại các chợ. Chính họ đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm sau hơn 10 năm làm phóng viên thị trường. Các chị tiểu thương, chuyên viên của phòng kinh tế các quận… chưa cho tôi bất cứ món quà gì về vật chất nhưng bù lại, họ tặng tôi những kiến thức, những thông tin nóng bỏng từ cuộc sống.
2- Tôi là thế hệ phóng viên thứ 4 của Báo SGGP. Chừng ấy thời gian, đi nhiều, gặp nhiều người và cũng viết khá nhiều. Nhưng hình như càng viết tôi càng thấy khó, nhất là thời điểm này. Trong cuộc họp mới đây, không chỉ tôi mà cả nhóm PV đã lặng người và không thể tin vào mắt mình khi một nữ doanh nhân xuất hiện. Mới năm ngoái đây thôi, chị còn rất xuân sắc, da dẻ hồng hào nhưng giờ đây hình dáng của chị đã khác hẳn. Với khuôn mặt mệt mỏi, chị bảo: “Tôi đang cố duy trì hoạt động của công ty đến cuối năm, may ra…”. Và người làm báo, đồng hành với họ, tôi cũng có những lúng túng, khó khăn. Đưa thông tin gì, chọn góc nào của sự việc là một việc không dễ dàng. Quả thật, cụm từ “ra biển lớn” mà các doanh nhân thường nhắc đến khi nước ta gia nhập WTO còn có ý nghĩa đối với những người làm báo chúng tôi.
Thúy Hải
Viết về “tỷ phú” không dễ
Tôi gặp và quen nhà văn Lê Nhị Hà (Nha Trang) trong một chuyến công tác tại phố núi khi anh đang hoàn chỉnh kịch bản phim truyền hình “Ngọn Nến Hoàng Cung”. Anh Hà tâm sự rằng rất thích giới báo chí vì nhà báo là những người luôn giữ được sự sung mãn trí tuệ từ chính đặc thù nghề nghiệp phải luôn đọc, tự học, thu nạp kiến thức hàng ngày.
Càng về sau tôi càng thích thú với nhận xét ấy. Rằng nhà báo chỉ cần sức khỏe bình thường thôi chưa đủ mà cái cần nhất chính là không ngừng tư duy, không ngừng đặt ra các câu hỏi với cuộc sống xung quanh và chính mình phải tìm ra lời giải. Đã có một số vấn đề đơn giản những khi chập chững vào nghề mình hiểu chưa đúng bản chất thì sau một thời gian va vấp, lăn lộn, suy nghĩ sẽ phải nhìn nhận lại cho đúng.
Trước đây, khi viết về các điển hình trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ cánh PV trẻ ở Báo SGGP như chúng tôi mà nhiều tờ báo hay dùng từ thật kêu kiểu như “Tỷ phú cà phê”, “Tỷ phú hoa hồng”, “Tỷ phú tiêu” đặt tên cho bài viết. Nhưng với bản chất khốc liệt của thương trường, sự bấp bênh của cầy trồng (như cà phê cao điểm có lúc 42.000 đồng, khi rớt giá chỉ còn 5.000 đồng/kg) rất dễ biến người ta ngày hôm trước là tỷ phú, ngày sau trắng tay. Một lần đến thăm lại ông Thứ (từng được coi là “Vua hoa hồng”, “Tỷ phú hoa hồng” ở làng hoa Vạn Thành (Đà Lạt) mà tôi cùng một số báo đã tung hô; nào ngờ ông buồn so và nói ngại tiếp xúc với báo chí vì sau mấy mùa giờ ông đã sa cơ trắng tay... Tôi giật mình.
Từ đó, mỗi khi viết về nông nghiệp tôi rất cẩn trọng trong dùng từ ngữ để không vấp lại sai lầm.
Văn Phong