Đầu tư hạ tầng kho bãi là việc của doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề nông nghiệp đối với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Phóng viên: Thưa ông, tại sao gói kích thích kinh tế quy mô kỷ lục không dành hẳn một mục cho nông nghiệp, trong khi lĩnh vực này bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và Covid-19, rồi xuất khẩu ách tắc; trong khi năm 2021 sản lượng rau củ quả xuất khẩu đóng góp cho nền kinh tế tới 3,5 tỷ USD, cả nền nông nghiệp xuất khẩu 48,6 tỷ USD?

Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Trong đề án có gói đầu tư hỗ trợ nông nghiệp với khoảng 5.000 tỷ đồng được bố trí cho các dự án như an toàn hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển; ổn định đời sống cho người dân, nhất là ở ĐBSCL. Có một nội dung nữa, ban đầu chúng tôi cũng định đưa vào, là an ninh nguồn nước, thông qua việc xây dựng một số hồ chứa nước, vốn đã nằm trong kế hoạch trung hạn, nhưng phải “liệu cơm gắp mắm” nên trước mắt làm hai việc như vậy. Bên cạnh đó cũng có phần hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn thông qua hợp tác xã, dù rằng hợp tác xã không chỉ là nông nghiệp trực tiếp.

Nhưng chương trình phục hồi chỉ có 2 năm, mà thực hiện các dự án như ông nói, thời gian chắc chắn cần dài hơn? 

Đúng vậy. Nhưng quan trọng nhất khi thiết kế chương trình này là khả năng hấp thụ nhanh nguồn vốn. Muốn thế, công tác lựa chọn dự án rất quan trọng. Chúng tôi chọn những dự án đã có trong quy hoạch, đủ điều kiện triển khai sớm, nhưng chưa có vốn; những dự án đã được chuẩn bị. Thứ hai, khi đã chọn được dự án rồi thì có cơ chế chính sách đặc thù để triển khai ngay. Lần này Chính phủ trình Quốc hội một số chính sách đặc thù như thế.

Tại sao có những vấn đề đang bức thiết trong nông nghiệp như rau củ quả, nông sản, thủy sản làm ra nhiều để xuất khẩu mà không xuất được, thiệt hại quá lớn nhưng lại không được ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết thực. Ví dụ như đầu tư kho bãi, cơ sở chế biến, bảo quản, logistics…, vì sao lại không dành vốn ưu tiên hỗ trợ?

Phải tách bạch rất rõ cái nào nhà nước đầu tư, cái nào thuộc doanh nghiệp. Quan điểm của tôi là việc đầu tư hạ tầng kho bãi, cơ sở chế biến… là việc của doanh nghiệp. Nếu có dự án tốt, họ sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư. 

Nhưng doanh nghiệp đang khó khăn thế, đâu dám vay vốn đầu tư?

Đó là câu chuyện khác. Nhà nước cũng không thể bơm tiền cho những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả được. Tiền của Nhà nước là tiền thuế của dân. Doanh nghiệp có dự án đủ điều kiện thì Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất như đề án nêu. Đó cũng là bài học kinh nghiệm của năm 2009, khi đó chúng ta cấp bù lãi suất mà không đúng đối tượng và phạm vi, để lại những hậu quả nghiêm trọng mà nhiều năm sau mới khắc phục được.

Tin cùng chuyên mục