Chương trình hỗ trợ phải đảm bảo tính thực tế, tránh dàn trải, phòng chống tham ô, lãng phí

Nhận xét cụ thể về gói hỗ trợ tài khóa, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đề xuất của Chính phủ là “ở mức tối thiểu cần thiết”, tuy không lớn, nhưng như vậy đủ để kiểm soát rủi ro lạm phát. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thực thi, Chủ tịch nước yêu cầu “khẩn trương, quyết liệt triển khai để những khoản hỗ trợ đến ngay với người dân, doanh nghiệp; trong quá trình đó cần giám sát chặt chẽ để phòng chống tham ô, lãng phí”. 

Chiều 4-1, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ghi nhận nền kinh tế vẫn có những điểm sáng, là nền tảng tốt cho phục hồi và phát triển, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (ĐBQH TPHCM) nhận định, mặc dù mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm qua, song kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu đạt khá, đặc biệt là nông sản, thu ngân sách vẫn vượt dự toán…

Chương trình hỗ trợ phải đảm bảo tính thực tế, tránh dàn trải, phòng chống tham ô, lãng phí ảnh 1 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp chiều 4-1. Ảnh: QUANG PHÚC 

“Chính vì thế, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Tôi cơ bản đồng tình và nhận thấy báo cáo của Chính phủ về vấn đề này đã được chuẩn bị khá kỹ, không chỉ nêu ra mục tiêu mà đã có những giải pháp cụ thể”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chương trình hỗ trợ phải đảm bảo tính thực tế, tránh dàn trải, phòng chống tham ô, lãng phí ảnh 2 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các ĐBQH trong tổ. Ảnh: QUANG PHÚC 

Nhận xét cụ thể về gói hỗ trợ tài khóa, theo Chủ tịch nước, đề xuất của Chính phủ là “ở mức tối thiểu cần thiết”, tuy không lớn, nhưng như vậy đủ để kiểm soát rủi ro lạm phát.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thực thi, Chủ tịch nước yêu cầu “khẩn trương, quyết liệt triển khai để những khoản hỗ trợ đến ngay với người dân, doanh nghiệp; trong quá trình đó cần giám sát chặt chẽ để phòng chống tham ô, lãng phí”. Tương tự, công cụ thuế cần được sử dụng thật tốt để giúp đỡ được doanh nghiệp trong lúc khó khăn, nhưng cũng đảm bảo cân bằng ngân sách, an ninh tài chính quốc gia.

Cùng với đó, cần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phát huy tính tự cường, nâng cao năng suất lao động thông qua công tác đào tạo nghề… Đồng ý với giải pháp hỗ trợ lãi suất, nhưng Chủ tịch nước lưu ý hài hòa lợi ích giữa tất cả các bên, vì “ngân hàng cũng cần có lãi, ở mức độ nào cho hợp lý”.

Cũng từ điểm cầu Nhà Quốc hội, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh lưu ý, trong triển khai chương trình hỗ trợ cần đảm bảo tính thực tế, tránh dàn trải.

“Trước khi có gói này đã có những gói hỗ trợ khác, hiệu quả thế nào? Hiện nay đang có một nghịch lý là sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, nhất là du lịch, giao thông vận tải, nhưng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản lại tăng mạnh, vượt sự kiểm soát. Cần tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh thật sự”.

ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) phát biểu tại phiên họp chiều 4-1. Ảnh: QUANG PHÚC 

Trong số các lĩnh vực dự kiến được “tiếp sức”, ĐB Nguyễn Minh Đức đặc biệt lưu ý đến y tế.

ĐB ví von: “Phải lật ngược lại hình chóp của ngành y tế hiện nay, đầu tư mạnh cho y tế cơ sở. Người dân phải được tiếp xúc y tế với chất lượng tốt ngay ở tuyến cơ sở thay vì phải ùn ùn kéo về thành phố lớn”.

Đồng tình với chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ cho người lao động, song ông đề nghị Chính phủ rà soát sát sao cho đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, có hàng rào kỹ thuật để tránh trục lợi. Về hỗ trợ lãi suất, ĐB đề nghị có dự báo kịch bản nợ xấu để phòng ngừa.

Tin cùng chuyên mục