Indonesia ghi nhận trong 5 năm qua, mức tăng trung bình về sản lượng năng lượng sạch đạt 4,3%/ năm. Vào năm 2021, công suất sản xuất năng lượng sạch tăng thêm 654,78 megawatt (MW), đưa năng lượng tái tạo chiếm 11,5% trong tổng sản lượng năng lượng sản xuất.
Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia (ESDM) bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được mục tiêu thu hút 3,91 tỷ USD vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch trong năm 2022.
Theo hãng thông tấn Antara, Bộ trưởng Dadan Kusdiana cho biết, mục tiêu thực hiện đầu tư 3,91 tỷ USD, gồm 950 triệu USD cho lĩnh vực địa nhiệt, 160 triệu USD cho năng lượng sinh học, 2,79 tỷ USD cho các loại năng lượng tái tạo khác và 10 triệu USD cho bảo tồn năng lượng. ESDM cũng có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm chương trình sử dụng diesel sinh học vào tháng 2.
Indonesia hiện là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, đã yêu cầu dầu diesel bán trong nước phải được pha trộn với 30% dầu sinh học làm từ cây cọ để cắt giảm nhập khẩu năng lượng và tăng tiêu thụ dầu cọ.
Năm 2022, Chính phủ Indonesia sẽ thực hiện 6 bước để đẩy nhanh sự phát triển năng lượng sạch thông qua việc hoàn thành quy định của tổng thống về giá năng lượng tái tạo. ESDM cũng sẽ ra quy định bắt buộc lắp các pano sản xuất điện mặt trời trên mái nhà đi kèm các chính sách khuyến khích tài chính và giảm thuế cho năng lượng sạch, tạo điều kiện dễ dàng cho việc cấp phép kinh doanh năng lượng tái tạo.
ESDM ước tính, các “nhà máy điện mặt trời” trên mái nhà, với tổng công suất 3,6 gigawatt (GW), có thể giảm tiêu thụ gần 3 triệu tấn than mỗi năm. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng kêu gọi Indonesia từ bỏ chính sách buộc các công ty khai thác than cung cấp một lượng than được trợ giá cho các công ty điện lực nhà nước. WB cũng kêu gọi Indonesia khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn vào năng lượng tái tạo để giúp nước này đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 hoặc sớm hơn.