Đầu tư và nợ công

Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và phát triển ở Sri Lanka, nhưng nhiều người dân địa phương cảm thấy bất an. 
Thông thường, các con đường dẫn đến các cảng châu Á luôn sôi động nhưng với cảng Hambantota ở miền Nam Sri Lanka lại khác hẳn. Mặc dù đưa vào hoạt động đã 7 năm, con đường dẫn vào cảng dường như không một bóng người. Với một cảng có chi phí đầu tư hơn 1 tỷ USD thì hoạt động kinh doanh như vậy sẽ không đủ thu hồi vốn. 

Hambantota được một công ty Trung Quốc xây dựng từ tiền vay của Trung Quốc, nhưng nay Sri Lanka đang vật lộn để hoàn trả khoản nợ đó. Vì thế họ đã ký một thỏa thuận để một công ty Trung Quốc cổ phần ở cảng này như một hình thức trả nợ món nợ đó. Các điều khoản của thỏa thuận này vẫn đang được tranh luận tại Quốc hội Sri Lanka với cổ phần cho công ty này có thể lên đến 80%. Trước khi xây dựng cảng Hambantota, Chính phủ Sri Lanka cho rằng cảng sẽ thu hút nhiều tàu hơn đến Sri Lanka và giảm áp lực lên cảng Colombo, một trong những bến cảng container quan trọng nhất ở châu Á. Sri Lanka nằm trên tuyến đường biển nơi các tàu chở dầu từ Trung Đông đi ngang. An ninh năng lượng là lý do chính khiến Trung Quốc muốn đầu tư vào nước này. Đồng thời, Sri Lanka cũng là mắt xích quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc khởi xướng nhằm xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt và đường biển để thúc đẩy thương mại với các nước trên thế giới.

Trung Quốc còn đang đàm phán với Chính phủ Sri Lanka về kế hoạch tạo ra khu kinh tế lớn với diện tích 60km² kế cận gồm cả nhà máy và văn phòng, nhưng nhiều người sống trong khu vực không muốn rời bỏ nhà cửa và trang trại của mình. Sân bay quốc tế cách Hambantota chừng 30km, chỉ có 5 chuyến bay mỗi tuần phục vụ vài trăm hành khách. Một trung tâm hội nghị hiện đại hầu như cũng không được sử dụng, và một sân chơi cricket nay chỉ thỉnh thoảng được cho thuê làm đám cưới. 

Chính phủ mới lên nắm quyền năm 2015 đã hứa hẹn sẽ giảm bớt phụ thuộc kinh tế của Sri Lanka vào Trung Quốc, nhưng những áp lực tài chính đang buộc họ phải tiếp tục trông chờ vào các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong khi Sri Lanka chưa trả xong Trung Quốc món nợ 8 tỷ USD thì theo tờ Economic Times của Ấn Độ, Bắc Kinh cho biết sẵn sàng cho Sri Lanka vay tiếp hàng chục tỷ USD nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Theo Bộ trưởng Cố vấn Sarath Amanugama, người tháp tùng Thủ tướng Ranil Wickremeshinghe tham dự Hội nghị thượng đỉnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” mới đây ở Trung Quốc, Bắc Kinh cho tất cả các nước tham gia sáng kiến này vay chứ không riêng gì Sri Lanka. Riêng với Sri Lanka, ông cho biết số tiền Trung Quốc cho vay có thể lên đến 32 tỷ USD thông qua Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc là cổ đông chính. Trung Quốc cũng sẽ đầu tư 50 tỷ USD vào hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc đi ngang khu vực Kashmir khiến Ấn Độ lo ngại. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao Ấn Độ không tham gia hội nghị thượng đỉnh nói trên. 

Tổng nợ công của Sri Lanka là 64 tỷ USD, trong đó chính phủ sử dụng khoảng 95% tổng thu ngân sách để trả nợ. Theo BBC News, khi một phần tiền vay mượn dường như đã bị lãng phí vào cơ sở hạ tầng không có một dấu hiệu nào cho thấy đem lại lợi nhuận thì điều đó còn tai hại hơn.

Tin cùng chuyên mục