Ở các trường, học sinh chào thầy cô là điều bình thường, nhưng chào người nhân viên bảo vệ, người lao công chắc không nhiều. Việc giáo dục để học sinh biết tôn trọng mọi người, kể cả những người làm công việc chân tay trong trường, là điều rất đáng quý.
Biểu hiện tôn trọng ở đây là học sinh biết chào hỏi một cách lễ phép, biết trân trọng công việc hay đóng góp của người lao động cho nhà trường, biết giúp đỡ họ hoặc không gây khó khăn cho công việc của họ. Chào hỏi lễ phép là khi gặp mặt không ngó lơ như không quen biết rồi đi thẳng; có thể là một cái cúi đầu hoặc nói “Con chào chú!”, “Cháu chào cô!”… Biết trân trọng bằng thái độ đúng mực, không tỏ ý coi thường hoặc vô ý gây ảnh hưởng đến công việc của họ.
Chẳng hạn, người lao công vừa lau hành lang xong, người học sinh có ý thức sẽ tránh đi vào chỗ ướt đó, để không làm bẩn. Hay người bảo vệ đang hướng dẫn học sinh ra cửa có trật tự, thì học sinh không giỡn hớt, làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn trật tự của người bảo vệ đó. Hay để nhân viên nhà ăn bớt vất vả, người học sinh ngoan sẽ không để chén dĩa bừa bộn mà đặt đúng nơi quy định, biết giúp xếp bàn ghế… Những việc đó tưởng chừng rất nhỏ, có khi giáo viên không quan tâm dạy cho học sinh, nhưng thực ra lại có ý nghĩa rất thiết thực.
Một cái cúi đầu không những không làm học sinh thấp đi, mà chính là nâng các em cao hơn, đó là chính là cách rất hay để thể hiện các em được giáo dục tốt, có ý thức tốt, có phẩm hạnh tốt, biết tôn trọng người lớn, tôn trọng những người đang thực hiện các công việc có ý nghĩa thiết thực cho nhà trường, cho việc học tập và sinh hoạt của các em.
Cái cúi đầu đó là một hình thức giao tiếp lịch sự, mở đầu cho những giao tiếp lịch sự khác, như hỏi thăm, trò chuyện, giúp đỡ, khác xa với thái độ dửng dưng hoặc giao tiếp thô lỗ, cộc lốc - vốn không hiếm trong nhà trường.
Cái cúi đầu đó còn có ý nghĩa giáo dục ngược lại, nó thúc đẩy người lớn cũng phải biết ứng xử phù hợp với trẻ: các cháu học sinh đã cúi chào thì bác bảo vệ không thể không chào đáp lại cho phải phép.
Cho nên, một cái cúi chào vượt lên trên nhiều điều bình thường khác. Đó có lẽ là điều ẩn sâu trong thâm tâm của nhiều người, nên khi thấy một cái clip hay đã không ngần ngại chia sẻ.
Do đó, các bậc cha mẹ, thầy cô nên chú ý nhiều hơn đến cách ứng xử có vẻ nhỏ nhặt đó. Đây là bước mở đầu trong nhiều bước khác về giao tiếp, ứng xử, như biết chào hỏi người lớn, khi nói với người lớn thì biết thưa dạ, khi trả lời biết nói rành rọt, khi có lỗi biết xin lỗi và khắc phục, khi được giúp đỡ biết cảm ơn, khi thấy ai đó có khó khăn biết giúp đỡ…
Suy cho cùng, giáo dục đạo đức, hay dạy lễ, trong nhà trường nên bắt đầu từ những việc dạy học sinh biết tôn trọng mọi người, làm sao cho trẻ không bao giờ quên điều đó, rồi mới học những điều khác