Đẩy vốn ra nền kinh tế

Đẩy vốn ra nền kinh tế

Theo số liệu của NHNN tín dụng tháng 6 của hệ thống NHTM đã có dấu hiệu khả quan khi trong 15 ngày đầu tháng đã tăng đến 1%, đưa tăng trưởng tín dụng đến ngày 15-6 đạt mức 8,36% so với 7,36% cuối tháng 5. Trong khi những tháng trước tốc độ tăng trưởng tín dụng không quá 1%/tháng. Tuy nhiên, nhiều NH thừa nhận vẫn chưa thể tăng tốc tín dụng trong thời điểm hiện nay.

Thừa tiền liên NH

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank, cho biết thị trường liên NH những ngày gần đây đang thừa tiền rất nhiều. Vì thế các NH dư vốn gửi tiền đồng tại NH bạn từ 1 tháng trở lên hiện nay chỉ nhận kỳ hạn tuần và qua đêm. Lãi suất VNĐ liên NH kỳ hạn ngắn giảm rất mạnh, chỉ dao động 6-7%/năm, các kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng cũng chỉ ở mức 8-9,5%/năm.

Nền kinh tế đang rất cần vốn để phát triển. Ảnh: LÃ ANH

Nền kinh tế đang rất cần vốn để phát triển. Ảnh: LÃ ANH

Theo thống kê của NHNN, tuần qua thị trường liên NH giao dịch sôi động nhưng chủ yếu là kỳ hạn 1 tuần và qua đêm, lãi suất VNĐ có xu hướng giảm nhẹ 0,02-0,04% ở các kỳ hạn tháng. Trước đây 1-2 tháng, lãi suất căng thẳng, các NH có xu hướng giành giật khách hàng tiền gửi bằng việc thỏa thuận lãi suất cộng khuyến mại nhiều hình thức, hiện nay tình trạng này đã giảm hẳn. Nhiều khách hàng tiền gửi không còn cơ hội để thỏa thuận lãi suất với NH nữa. “Áp lực huy động tiền gửi để duy trì thanh khoản hay kinh doanh cũng giảm đi nhiều. Chắc chắn các NH sẽ tính đến hiệu quả khi huy động vốn và lãi suất sẽ có điều kiện giảm trong thời gian tới” - ông Hưng nhận định.

Thực tế, điều này đang đi theo đúng mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, giúp đưa vốn NH ra nền kinh tế thay vì chạy lòng vòng trong hệ thống NH. Trong đó, một trong những động thái được xem là tích cực của NHNN là thực hiện cam kết mạnh mẽ về tái cấp vốn thông qua thị trường mở.

Trước đây, đối với hình thức tái cấp vốn hay hoán đổi ngoại tệ NHNN rất hạn chế, NHTM nào có vấn đề thanh khoản NHNN mới giải quyết. Còn hiện nay đối tượng vay đã được mở rộng, NH nào có nhu cầu, NHNN giải quyết và không “soi” nữa. Điều này triệt tiêu tình trạng vay nóng trên thị trường liên NH từng được xem là thị trường màu mỡ của các NH lớn. Như vậy năm nay cơ hội kiếm lợi trên thị trường liên NH xem ra càng khó khăn hơn. Lãnh đạo một NH cổ phần tiết lộ năm ngoái lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu, kinh doanh liên NH của NH ông đạt gần 1.000 tỷ đồng, nhưng năm nay lợi nhuận từ mảng này đã bị thu hẹp và khó có thể để đạt 1/2 của năm ngoái.

Tăng cường bơm vốn tiền đồng

Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, không NH nào muốn thừa vốn để cho vay trên thị trường liên NH lãi suất thấp, nhưng thực tế cho khách hàng vay vốn lãi suất thỏa thuận không phải dễ. Nhiều doanh nghiệp vay vốn tại Eximbank thừa nhận với mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng hiện nay họ vẫn còn dè dặt, chỉ vay cho những dự án sản xuất kinh doanh rất hiệu quả. Đó cũng là lý do vì sao khi NHNN thay đổi chính sách cho vay ngoại tệ, nhiều doanh nghiệp đã quay sang vay ngoại tệ thay vì vay bằng tiền đồng.

Vì vậy, thời điểm này các NHTM cũng đang cùng mục tiêu với NHNN và Chính phủ là đẩy mạnh đưa vốn ra nền kinh tế để nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp NH gia tăng nguồn thu từ tín dụng. “Năm nay Eximbank lên kế hoạch lợi nhuận 2.200 tỷ đồng, tăng gần 45% so với năm ngoái (1.300 tỷ đồng). Nhưng đến nay Eximbank mới đạt lợi nhuận 950 tỷ đồng nên việc hoàn thành kế hoạch năm trong điều kiện hiện nay cực kỳ khó khăn, nhất là chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các NH ngày càng giảm” - ông Phước cho biết.

Một lãnh đạo của ACB cho biết dù áp lực tăng lãi suất không còn cao nhưng giá vốn bình quân đầu vào của các NH cổ phần hiện nay đang ở quanh mức 12-13%/năm. Nếu có giảm lãi suất đầu vào xuống 10% cũng phải 1-2 tháng nữa. Trong khi các NH quốc doanh hiện nay có thể áp dụng lãi suất cho vay 12%/năm đối với một số khách hàng ở dạng ưu đãi. Đây cũng sẽ là áp lực buộc các NH cổ phần phải giảm mạnh lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này thừa nhận việc tăng giảm lãi suất không phải là vấn đề chủ chốt, mà quan trọng các NH làm sao có được chênh lệch giữa lãi suất huy động đầu vào và đầu ra nhiều hơn. Đây là vấn đề không đơn giản, muốn xử lý phải có giải pháp can thiệp vĩ mô của NHNN để khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế với hệ thống NHTM. Nhiều NH cổ phần cho biết trước mắt họ sẽ phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng ngoại tệ, chỉ ưu tiên cho vay ngoại tệ với các doanh nghiệp có bán ngoại tệ cho NH. Điều này sẽ giúp các NH tăng trưởng tín dụng tiền đồng trong thời gian tới.

Thanh Như

Tin cùng chuyên mục