ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Có nhiều công nhân cả chục năm không thể về thăm con” ​

“Đừng nghĩ rằng vắt kiệt sức người lao động mới là tốt và đừng nói rằng người công nhân có nhu cầu làm thêm mà là họ cần phải làm thêm vì những yếu tố như tôi nói. Nhu cầu là cái gì đó tự thân, nhưng cái này không phải như vậy, mà nó như là một sự bức thiết. Không làm thêm thì không có tiền trang trải cuộc sống”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh. 
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), làm thêm giờ là vấn đề có tính 2 mặt - “ở góc độ này thì thuận lợi, góc độ khác thì bất lợi”
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), làm thêm giờ là vấn đề có tính 2 mặt - “ở góc độ này thì thuận lợi, góc độ khác thì bất lợi”

Chiều 12-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật lao động. Khung thoả thuận giờ làm thêm là vấn đề được nhiều ĐBQH đề cập với quan điểm còn khác nhau.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), làm thêm giờ là vấn đề có tính 2 mặt - “ở góc độ này thì thuận lợi, góc độ khác thì bất lợi”.

Nhận định rằng, mới nhìn qua thì quy định này “có vẻ như quan tâm đến lợi ích người lao động, đáp ứng nhu cầu tăng thêm thu nhập cho người lao động”, song thực ra công nhân có nhu cầu làm thêm chỉ vì cuộc sống của họ còn quá khó khăn, ĐB Quyết Tâm đề nghị: “Cần đưa ra chính sách để người công nhân làm đủ khung giờ mà vẫn đảm bảo thu nhập, đủ khả năng tái tạo sức lao động, vừa có lợi cho công nhân, vừa có lợi cho người sử dụng lao động".

Bà cũng tỏ ra xót xa vì “có nhiều công nhân không trực tiếp nuôi con được, con cái phải đưa về quê để cho ông bà, cha mẹ mình nuôi; cả chục năm không về thăm con” và đề nghị Quốc hội quan tâm đầy đủ đến vấn đề này.

“Đừng nghĩ rằng vắt kiệt sức người lao động mới là tốt và đừng nói rằng người công nhân có nhu cầu làm thêm mà là họ cần phải làm thêm vì những yếu tố như tôi nói. Nhu cầu là cái gì đó tự thân, nhưng cái này không phải như vậy, mà nó như là một sự bức thiết. Không làm thêm thì không có tiền trang trải cuộc sống” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Ở góc độ người sử dụng lao động, ĐB Quyết Tâm cho rằng, nếu cần thiết phải làm thêm để đảm bảo đơn hàng thì cần có cách thỏa thuận khác với công nhân theo hướng tiền lương làm thêm giờ được tính lũy tiến.

Sử dụng quyền tranh luận, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) bày tỏ quan điểm khác với ĐB Quyết Tâm. Theo đó ông cho rằng Luật cần quy định nguyên tắc người lao động được tự nguyện tham gia và không bắt buộc phải làm thêm giờ.

Ông Nguyễn Quang Tuấn nói: “Bất kỳ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ, làm thêm việc để có thêm thu thập cho gia đình và xây dựng xã hội tốt hơn. Tuy nhiên,  cần đưa ra quy định rõ ràng với một số nghề nghiệp gây nguy hiểm cho nhiều người như lái xe đường dài, lái xe buýt, lái máy bay… có thể không cho tăng thêm giờ, thậm chí nên có quy định riêng sau một số giờ làm việc nhất định phải nghỉ để bảo đảm sức khỏe, sự tỉnh táo, không gây tai nạn giao thông”.

Dẫn chứng trường hợp ngành y, ĐB Nguyễn Quang Tuấn cho biết, hiện nay 400.000 cán bộ y tế trong 1 tháng làm thêm khoảng 80 giờ, mỗi năm  khoảng 1.000 giờ. Với những đơn vị thiếu người, đơn vị công lập có bác sĩ ra ngoài làm tư nhân nhiều thì thời gian làm thêm có thể tăng từ  1.500 – 2.000 giờ.

Giờ làm thêm nhiều như vậy, nhưng tiền trực lại quá thấp. Cụ thể, với cán bộ y tế trực suốt ngày đêm tại các đơn vị y tế loại 1 sẽ được chi trả 115.000 đồng và tại đơn vị loại 2 là 95.000 đồng. Số tiền phụ cấp này không đủ để tái tạo sức lao động.

“Một số ĐB muốn ngành y tế làm thêm cả thứ 7, Chủ nhật, nhưng nếu thế thì ít nhất mỗi cán bộ y tế phải làm thêm trung bình khoảng 800 giờ/năm”, ông nói.

Tin cùng chuyên mục