ĐBSCL siết chặt vận chuyển động vật, nhất là khu vực biên giới

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, hiện các tỉnh ĐBSCL tăng cường các biện pháp phòng chống và siết chặt việc vận chuyển động vật.

Chiều 18-3, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã chỉ đạo các sở ngành chức năng và UBND các huyện tăng cường kiểm tra, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho Sở NN-PTNT phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương, nhất là khu vực giáp biên giới, nơi có tổng đàn heo số lượng lớn, các địa phương có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ các nước đang có bệnh dịch tả heo châu Phi.

Sở NN-PTNT phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức giám sát, kiểm tra chặt chẽ các trạm kiểm dịch động vật biên giới và nội địa trên địa bàn tỉnh, nhằm phòng chống lây lan dịch bệnh. Khi phát hiện có bệnh dịch tả heo châu Phi phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng; dừng ngay việc vận chuyển và xử lý động vật, sản phẩm động vật...

ĐBSCL siết chặt vận chuyển động vật, nhất là khu vực biên giới ảnh 1 Các tỉnh ĐBSCL kiểm tra chặt vận chuyển động vật, nhất là khu vực biên giới nhằm đề phòng bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan 
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp gia súc, gia cầm, mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; song do giá cả chênh lệch nên nguy cơ xuất hiện một số lượng heo vận chuyển từ miền Bắc vào ĐBSCL tiêu thụ, kèm nguy cơ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, vì vậy cần tăng cường cảnh giác và phòng chống. Cùng với việc trực xuyên suốt, tỉnh áp dụng không nhập thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo ở các tỉnh đang có dịch; song song đó trong suốt tháng 3-2019 thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Bố trí ngân sách khoảng 6,7 tỷ đồng để dự trữ vật tư, hóa chất, phương tiện chống dịch...”.

Tại An Giang, Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp cùng ngành chức năng triển khai đồng loạt các giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi. Yêu cầu UBND các xã và lực lượng thú y kiểm tra, giám sát chặt số lượng đàn heo trên địa bàn, phát hiện sớm nếu có dịch bệnh xảy ra. Tổ chức đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

Ngành chức năng An Giang cũng thiết lập các chốt chặn, kiểm soát chặt vận chuyển heo, giám sát tình hình giết mổ, tiêu thụ. Đối với khu vực tiếp giáp biên giới phải được kiểm soát triệt để việc xuất, nhập động vật. Tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, lối mở và các chợ biên giới... đang được kiểm soát chặt chẽ; đồng thời gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nếu để xảy ra tình trạng nhập lậu động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh. Nếu trường hợp phát hiện nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi thì liên hệ ngay về Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

ĐBSCL siết chặt vận chuyển động vật, nhất là khu vực biên giới ảnh 2 Khuyến cáo người dân sử dụng thịt heo đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, an toàn
Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang vừa triệu tập hàng trăm cán bộ thú y nhằm triển khai khẩn cấp các giải pháp ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi. Tỉnh Tiền Giang yêu cầu lực lượng thú y cơ sở phải kiểm soát chặt việc mua bán, vận chuyển heo trên địa bàn. Tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay và chủ động phòng chống; đồng thời không lan truyền những thông tin không rõ ràng, gây hoang mang dư luận; chú ý tuyên truyền việc sử dụng các sản phẩm thịt heo bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ.

UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở NN-PTNT và các sở ngành liên quan chủ động ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh. Theo đó, giám sát chặt thương lái thu mua, tiêu thụ thịt heo và vận chuyển động vật ra vào TP Cần Thơ; xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, sản phẩm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Cán bộ thú y ở cơ sở tăng cường kiểm tra đàn heo tận hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch trên đàn heo (nếu có), khống chế dập dịch ngay không để lây lan; ngoài ra cần chú ý việc khử trùng sau mỗi buổi họp chợ…

Tin cùng chuyên mục