(SGGP).- “Thiếu nguồn nhân lực y tế trong 5 chuyên ngành hiếm” là nội dung được đề cập nhiều tại Hội nghị đào tạo nhân lực y tế khu vực ĐBSCL, do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tổ chức ngày 15-8.
Theo thống kê của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, năm 2008, tỷ lệ bác sĩ (BS), dược sĩ (DS)/ vạn dân trong vùng là 4,26 BS và 0,22 DS, thấp nhất trong cả nước. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế cho các tỉnh trong khu vực, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã mở rộng đào tạo nguồn lực tăng quy mô hợp lý. Theo đó, đến năm 2015, tỷ lệ được cải thiện đáng kể, đạt 6,35 BS và 1,39 DS/vạn dân. Song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là thiếu nhân lực ở tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa…
Bác sĩ Khoa cấp cứu Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ đang hướng dẫn sinh viên thực tập
Trong đó, tình trạng thiếu hụt BS làm trong 5 ngành hiếm (giải phẫu bệnh, lao, phong, pháp y, tâm thần) khá nghiêm trọng. Toàn vùng chỉ có 152 BS làm việc tại 5 chuyên ngành hiếm (đến năm 2020 có trên 50% BS đến tuổi nghỉ hưu). Cụ thể, 13 tỉnh đều có 13 trung tâm pháp y nhưng chỉ có 4 BS chuyên ngành pháp y. Có 8 bệnh viện lao và bệnh phổi trong vùng hoạt động từ lâu nhưng BS chuyên ngành ít, nhiều tỉnh chỉ từ 1-5 BS. Riêng tỉnh Kiên Giang không có BS chuyên ngành lao. Có 5 tỉnh không có chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ cho khoa ung bướu của bệnh viện tỉnh. Theo đó, nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm của vùng khoảng 250 BS/năm. Trong đó, ngành có nhu cầu cao là lao. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo đi đến thống nhất bổ sung 212 chỉ tiêu cho ngành hiếm và theo đặc thù của vùng.
Được biết, trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu BS, DS cho toàn vùng là 4.912 BS và 1.997 DS. Tỉnh có nhu cầu BS cao nhất là An Giang: 789 BS và 266 DS. Theo Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, khả năng tuyển sinh và đào tạo của trường trong năm 2016 là 1.300 chỉ tiêu (trong đó 410 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ).
CAO PHONG