Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Để có đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên

Trong thời gian qua, công tác đào tạo của Đảng đối với cán bộ, đảng viên đã được quan tâm, ngày càng chuẩn hóa. 
PGS-TS Nguyễn Việt Hùng tại di tích lớp đào tạo cán bộ của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu
PGS-TS Nguyễn Việt Hùng tại di tích lớp đào tạo cán bộ của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu
PGS-TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng - Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Cán bộ TPHCM) vừa có chuyến công tác tại Trung Quốc, tham gia “Hành trình đỏ” trở về những di tích lịch sử ghi dấu quãng đời hoạt động cách mạng của Bác tại Trung Quốc trong những năm 20 của thế kỷ trước. Ông đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP về những cảm xúc khi nhìn thấy những tư liệu, hiện vật quý về Bác còn lưu lại trên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Ông nói:
Đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, chúng tôi đi thăm khu trường học do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập trong những năm từ 1925 - 1927. Tại đây, Người tổ chức 3 khóa đào tạo cho những cán bộ của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (sau gọi là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội). Có thể nói, đây chính là địa chỉ đỏ đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, bởi vì nó là nơi hình thành nên các yếu tố để sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta dẫn Đảng cứu quốc. 
"Đây không chỉ là địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam, mà còn là địa chỉ đỏ thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết lâu dài, bền vững, thủy chung giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc - Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam. Nhiều lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến tham dự, trở thành những giảng viên của lớp học như các đồng chí Chu Ân Lai, Chu Đức… Điều đó cho thấy rằng, các bạn Trung Quốc cũng rất trân trọng những gì mà lịch sử để lại, là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị, lâu dài, bền vững giữa Việt Nam - Trung Quốc. Thông qua đây nhắc nhở các thế hệ hôm nay phải làm sao gìn giữ mối quan hệ hữu nghị này như tài sản quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Nó còn giúp tạo môi trường hòa bình, ổn định, để hai nước cùng phát triển, cùng phồn vinh"
- PGS-TS NGUYỄN VIỆT HÙNG
Trong số những học viên được Bác trực tiếp giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng, nhiều đồng chí đã trở thành những lãnh tụ xuất sắc của Đảng như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập… Điều này cho thấy, để làm cách mạng, điều quan trọng nhất là phải có tổ chức cách mạng. Và trong tổ chức cách mạng đó, điều quyết định lại là những con người cách mạng, mà Bác Hồ của chúng ta ngay từ đầu đã giáo dục cho họ đủ những phẩm chất và năng lực, vừa hồng, vừa chuyên.
Cũng tại lớp học quan trọng này, Bác đã có tác phẩm nổi tiếng Đường cách mệnh. Trong 11 nội dung của quyển sách, nội dung hàng đầu Bác đề cập là tư cách của người cách mạng với 23 điều, trong đó có 14 điều về bản thân, 5 điều đối với người và 4 điều đối với việc. Tôi tận mắt chứng kiến những cơ sở vật chất đã có cách đây hơn 90 năm, được các bạn Trung Quốc hết sức quan tâm, gìn giữ một cách cẩn thận, chu đáo. Chúng tôi rất xúc động khi đứng trước các phòng học, tuy không rộng nhưng rất trang nghiêm, gợi lại hình ảnh hơn 90 năm trước, những người thanh niên trẻ tuổi của Việt Nam ngồi đây học và họ đã tìm được chân lý, con đường cách mạng. Có những cầu thang nhỏ chênh vênh, nhưng sau này đã mở ra con đường lớn cho cách mạng Việt Nam. Chúng tôi nhìn thấy những khu sinh hoạt giản dị, đơn sơ của học viên, cho thấy họ đã phải vượt qua rất nhiều gian khổ, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng là học tập, rèn luyện để đủ điều kiện thành người đảng viên cộng sản, người cán bộ cách mạng phục vụ cho phong trào.
Đặc biệt, chúng tôi biết rằng, không chỉ dạy về lý thuyết, mà tất cả những học viên của 3 khóa sau khi đã được đào tạo cơ bản về mặt lý thuyết lý luận, đã được đi vô sản hóa trong thực tiễn. Chính vì được lăn lộn trong phong trào mà những kiến thức của họ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp truyền thụ, đã trở thành những tri thức trí tuệ, bản lĩnh cho người cách mạng.    
PHÓNG VIÊN: Liên hệ với thực tế, ông rút ra được điều gì khi đi thăm những di tích này?
PGS-TS NGUYỄN VIỆT HÙNG: Chúng tôi thấy rằng Đảng ta đang ngày càng thấm nhuần và đi theo đúng tư tưởng của Bác, nhất là trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhấn mạnh đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, vừa hồng, vừa chuyên, để làm sao ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Để chống lại 27 biểu hiện suy thoái đó thì nhóm giải pháp hàng đầu trong 4 nhóm giải pháp được Nghị quyết Trung ương 4 nhấn mạnh là giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao quan điểm lập trường chính trị cho đội ngũ cán bộ, đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nó cho thấy, bài học về giáo dục, rèn luyện vẫn là bài học hàng đầu trong việc hình thành cốt cách của người Cộng sản Việt Nam. Dù các khóa đào tạo của Đảng ta do Bác trực tiếp giảng dạy đã hơn 90 năm, nhưng bài học về trồng người, trồng con người Cộng sản của Bác đặc biệt nhấn mạnh đến phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, bản lĩnh, phong cách của người cách mạng đến hôm nay còn nguyên giá trị. 
Ông có suy nghĩ, mong muốn gì để những giá trị tinh thần và lịch sử của hơn 90 năm trước Bác đã để lại cho thế hệ hôm nay được phát huy?
Chúng tôi mong rằng, thời gian tới cần tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc, nhất là ở những nơi có các địa chỉ, di tích cách mạng của Việt Nam hình thành trên đất nước Trung Hoa trong những năm khó khăn trước đây, để thế hệ hôm nay thấy được giá trị của tình hữu nghị giữa hai nước được bao thế hệ cách mạng đi trước dày công vun bồi, xây dựng. Qua đó để mỗi chúng ta nhìn về hiện tại một cách đúng đắn, xây dựng tương lai một cách bền vững.
Một mong muốn khác của chúng tôi, đó là nếu có điều kiện, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM nên xây dựng, tái hiện mô hình về cơ sở đào tạo cán bộ cách mạng của Việt Nam tại số nhà 250 đường Quang Minh, thành phố Quảng Châu, để những người Việt Nam chưa có điều kiện sang Quảng Châu cũng nhìn thấy được và hiểu vì sao khi mới làm cách mạng, Bác Hồ lại mở đầu bằng việc trồng người. Các lớp học của Bác còn cho thấy việc đào tạo phải bài bản, phải được trang bị cả nhận thức lẫn thực hành thì lúc đó kiến thức mới vững chắc. Nó cho chúng ta nhiều bài học về xây dựng Đảng và công tác đào tạo cán bộ hiện nay.
Trong thời gian qua, công tác đào tạo của Đảng đối với cán bộ, đảng viên đã được quan tâm, ngày càng chuẩn hóa, nhưng chúng ta cũng phải suy nghĩ thêm về thời gian, nội dung chương trình, phương thức, cách thức đào tạo. Đặc biệt là về tính thiết thực, tính khả dụng, con người đào tạo được trang bị những kiến thức quan trọng, để họ không chỉ làm người mà còn phải làm việc, từng bước rèn luyện trở thành người cán bộ vững vàng.

Tin cùng chuyên mục