Góp ý Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Đất đai

Để doanh nghiệp thỏa thuận giá đền bù với dân

Có được phân lô bán nền hay không" và "Để doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân hay Nhà nước thu hồi rồi giao đất cho chủ đầu tư thông qua đấu thầu" là 2 vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) đưa ra tranh luận tại ngày thứ hai lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Đất đai do Bộ Tài Nguyên-Môi trường tổ chức tại TPHCM ngày 6-5.
 
Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai đưa ra hai hướng: một là giữ lại cơ chế thỏa thuận đền bù, hai là Nhà nước sẽ thu hồi đất và đảm bảo cung cấp "đất sạch" cho nhà đầu tư thông qua đấu thầu dự án. Đa số DN đều cho rằng nên linh hoạt, không nhất thiết phải chọn một trong hai phương án.

Ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty nhà Bình Dân, cho rằng Nhà nước chỉ nên thu hồi những dự án lớn để đưa ra đấu giá chứ đừng thu hồi từng dự án nhỏ lẻ. Đồng thời ông cũng cho rằng nếu để UBND quận-huyện ra quyết định thu hồi đất thì sẽ manh mún và rất nguy hiểm vì dễ phát sinh tiêu cực.

Theo ông Tú, DN kinh doanh thì để DN tự thương lượng với người dân là hợp lý, tuy nhiên khi DN đã thực hiện đền bù khoảng 80%-90% rồi thì Nhà nước phải hỗ trợ DN để cưỡng chế phần còn lại để DN nhanh chóng triển khai dự án. Đại diện DN tư nhân Kiến Dũng (Đồng Tháp) cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng nên bỏ phương án thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất thành một đơn vị sự nghiệp có thu của Nhà nước vì thành lập mô hình trên sẽ rất tốn kém ngân sách Nhà nước.

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Thế Ngọc, trước đây nhiều DN mua đất, tự đền bù theo giá quá cao rồi đẩy giá đất lên. Việc sốt đất thời gian vừa qua có nguyên nhân là do việc để DN tự thỏa thuận giá đền bù. Chính vì thế, dự thảo sửa đổi Luật Đất đai đưa ra phương án bỏ cơ chế tự đền bù và sẽ có một Trung tâm Phát triển quỹ đất đứng ra triển khai đền bù để tạo quỹ đất sạch, sau đó tổ chức đấu giá đất. Khi bỏ cơ chế này, việc xác định giá đền bù cho người dân phải sát giá thị trường, lợi nhuận chênh lệch từ thu hồi đến đấu giá đất sẽ được đóng vào ngân sách để đầu tư, phát triển hạ tầng đồng thời lo công ăn, việc làm cho người bị thu hồi đất.

Thế nhưng, để trung tâm này có thể hoạt động được phải đảm bảo nguồn vốn cho nó. Các nguồn vốn này từ vốn ngân sách, vay vốn ưu đãi và liên kết nguồn vốn với các DN. Bên cạnh đó, trung tâm cũng phải có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế tiêu cực. Trao đổi bên lề hội nghị, Thứ trưởng Trần Thế Ngọc cho biết: "Theo ý kiến riêng của tôi, những dự án nằm trong vùng đã có quy hoạch sử dụng đất thì Nhà nước sẽ thu hồi, riêng những dự án khác thì để DN tự thỏa thuận là hợp lý"  

Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục