Cách TPHCM hơn 100km, tỉnh Tây Ninh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh với nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo. Tuy nhiên, trong thời gian dài, doanh thu từ ngành công nghiệp không khói của tỉnh còn rất khiêm tốn…
Tập đoàn Sun Group vừa có chuyến khảo sát du lịch Tây Ninh bằng trực thăng
Với vị trí địa lý thuận lợi, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tiếp giáp nước bạn Campuchia trên 240km đường biên giới với 16 cửa khẩu; trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài và Xa Mát), đặc biệt là tuyến đường Xuyên Á sẽ trở thành trục giao thông quan trọng hàng đầu để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư khai thác du lịch. Nhiều năm qua, tỉnh Tây Ninh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng, nâng cấp mạng lưới giao thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 22A, 22B. Khi đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài và cao tốc Mộc Bài - Xa Mát được đầu tư sẽ là cú hích để kinh tế Tây Ninh chuyển mình, trong đó có ngành du lịch. Tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Khu du lịch núi Bà Đen, Tòa thánh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát với đa dạng sinh học… Đặc biệt, còn có các địa danh lịch sử nổi tiếng như Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Khu di tích Long Điền Sơn, Tháp cổ Chóp Mạt và thung lũng Ma Thiên Lãnh có khí hậu được ví như TP Đà Lạt với màn sương lãng đãng mỗi sáng sớm, không khí trong lành.
Dù vậy, hàng chục năm qua, ngành du lịch chưa có vai trò đáng kể trong cơ cấu kinh tế địa phương. Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016, tỉnh chỉ thu hút được gần 4,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 5% và doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2016 chỉ hơn 770 tỷ đồng, chiếm 1,3% trong cơ cấu tổng sản phẩm của địa phương (GRDP). Tây Ninh hiện có số khách sạn đạt chuẩn quá ít với 603 cơ sở lưu trú (8 khách sạn 2 sao, 31 khách sạn 1 sao), hơn 4.000 phòng nên không đáp ứng được nhu cầu của du khách nghỉ dưỡng.
Tại hội thảo quốc tế “Du lịch Tây Ninh: Tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển”, các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt vấn đề đang cản trở sự phát triển của ngành du lịch tỉnh. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Trường Fulbright Việt Nam) cho rằng: “Sản phẩm, dịch vụ du lịch Tây Ninh thời gian qua gần như chưa có gì ấn tượng nên tỉnh cần quan tâm đến việc du khách chi tiêu bao nhiêu trong chuyến du lịch hơn là quan tâm đến tăng trưởng số lượng”. Đặc biệt, tiến sĩ Mike Turner đến từ Trường Broward College (Anh), nhận định một trong những hạn chế của việc phát triển du lịch Tây Ninh là số người sử dụng tiếng Anh không nhiều nên rất khó thu hút và giữ chân du khách quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng, Tây Ninh cần thu hút được vài nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Tính đến nay, toàn tỉnh mới thu hút 20 dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch, trong đó dự án lớn nhất cũng chỉ có số vốn đăng ký hơn 300 tỷ đồng (xây dựng trung tâm thương mại và khách sạn), còn lại là các dự án nhỏ từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Qua chuyến khảo sát mới đây của Tập đoàn Sun Group, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh kỳ vọng đây sẽ là nhà đầu tư chiến lược cùng với địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có…
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết thêm: “Tỉnh chọn Khu du lịch núi Bà Đen làm trung tâm đầu tư phát triển du lịch, trong đó đã xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm lễ hội tâm linh. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp thu hút các nhà đầu tư có năng lực; trong đó có giải pháp về thuế, đất đai, cơ sở vật chất hạ tầng và đặc biệt chú ý đến công tác đào tạo, nhất là việc sử dụng thành thạo tiếng Anh”.