Để giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đề xuất thành lập cơ quan tài phán độc lập

Khoảng trống về khung pháp lý

Về tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong 3 năm qua, các báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất nhận định, mặc dù các cơ quan liên quan đã có nhiều nỗ lực, song tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn ra gay gắt, phức tạp. Trong đó, khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai, tư pháp, thi hành án chiếm tỷ lệ cao nhất, bức xúc nhất.

Khoảng trống về khung pháp lý

Theo Báo cáo kết quả giám sát tình hình thi hành pháp luật về khiếu nại tố cáo được trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22-8, khung pháp lý cho việc giải quyết khiếu nại tố cáo (có tới hơn 80% liên quan đến nhà đất) còn thiếu hàng loạt văn bản hướng dẫn trong 4 vấn đề rất quan trọng: về khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và bồi thường thiệt hại cho người khiếu nại; quy định hành vi vi phạm hành chính và mức xử phạt quy định tại Điều 100 Luật Khiếu nại tố cáo (KNTC); giải quyết các kiến nghị, phản ánh liên quan đến KNTC đã tiếp nhận khi tiếp công dân và việc xác định luật được áp dụng để giải quyết đối với những KNTC được thụ lý giải quyết lần 2 vào thời điểm sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo năm 2005 đã có hiệu lực.

Quy chế phối hợp giải quyết KNTC giữa các cơ quan tư pháp như tòa án, viện kiểm sát… cũng chưa được xây dựng. Đó là chưa kể sự thiếu nhất quán trong nhiều văn bản pháp quy: giữa nghị định với luật, giữa luật này với luật khác; giữa luật với các quyết định liên quan đến giải quyết khiếu nại tố cáo do chính quyền các địa phương ban hành…

Chẳng hạn, Luật KNTC quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại, nhưng UBND một số tỉnh lại ban hành quyết định ủy quyền cho phó chủ tịch, chánh thanh tra, chánh văn phòng hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn làm việc này. Thời hiệu khiếu nại các quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai của các cấp chính quyền cũng có sự khác biệt lớn giữa Luật Đất đai 2003 với các nghị định hướng dẫn thi hành chính luật này!

Tồn tại trong quản lý nhà nước

Phát biểu về vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH cho rằng, bên cạnh sự thiếu nhất quán, không đồng bộ về chính sách thì sự yếu kém trong chỉ đạo, điều hành ở địa phương khi giải quyết công việc liên quan tới người dân cũng là một lý do quan trọng khác dẫn đến tình trạng căng thẳng về KNTC.

Ông nói: “Nên thành lập các cơ quan tài phán độc lập để giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh chứ không thể cứ tiếp tục việc cơ quan hành chính tự xem xét lại quyết định hành chính của chính mình. Như thế khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi!”. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH chia sẻ: “Chính sách, quy định chỉ là một phần, khiếu nại, tố cáo phát sinh phần lớn do con người. Nếu cứ chấp hành nghiêm túc quy định của Luật KNTC, tình hình chắc sẽ được cải thiện”.

Muốn vậy, một yêu cầu khách quan khác đặt ra là phải nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, để đảm bảo đội ngũ này nắm vững và làm theo pháp luật. “Chất lượng của các quyết định và hành vi hành chính của các cơ quan công quyền nhiều khi thiếu chuẩn xác, có sai sót và không kịp thời (nhất là ở cấp cơ sở) nên người dân mới phải khiếu kiện”, ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của QH bình luận.

Tăng cường phổ cập pháp luật cho người dân

Một thực trạng cũng rất đáng lưu ý, theo Báo cáo của đoàn giám sát của UBTVQH - loại trừ những nguyên nhân chủ quan – là trình độ hiểu biết về pháp luật nói riêng và trình độ dân trí nói chung tại VN còn thấp, dẫn đến tỷ lệ KNTC không đúng sự thật hoặc chỉ đúng một phần còn khá lớn (hơn một nửa tổng số vụ việc). Có trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết đúng và trả lời nhiều lần nhưng đương sự vẫn cố tình KNTC kéo dài, vượt cấp, gây bức xúc không đáng có.

Vì vậy, tăng cường phổ cập pháp luật cho người dân được coi là một giải pháp quan trọng góp phần tháo gỡ sớm “ngòi nổ” về KNTC. Bên cạnh đó, cần xây dựng cho người dân và doanh nghiệp, đơn vị thói quen tìm đến đội ngũ luật gia, luật sư để được tư vấn trước khi KNTC hoặc đưa các vụ việc hành chính ra tòa hành chính để phân xử, giảm bớt sự quá tải cho các cấp chính quyền trong giải quyết KNTC.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục