Đề nghị bổ sung phương án đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 bằng hình thức BT

Trong ý kiến góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, Bộ GTVT đã đề nghị TPHCM bổ sung phương án đầu tư dự án theo hình thức BT để so sánh, đối chiếu với hình thức BOT.
Một phương án kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4
Một phương án kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4

Cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Đây là dự án thuộc nhóm A, dự kiến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ngân sách của địa phương, thuộc thẩm quyền thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư của HĐND TPHCM. Hiện dự án đang trong quá trình lấy ý kiến các sở, ban, ngành và các địa phương, cơ quan có liên quan, hoàn thiện để trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Theo Bộ GTVT, do việc nghiên cứu đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 có liên quan chặt chẽ với kế hoạch di dời, chuyển đổi công năng các khu bến trên sông Sài Gòn, TPHCM cần rà soát, làm rõ sự phù hợp của dự án với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng biển TPHCM và quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của Thành phố.

Về vị trí xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, trên cơ sở so sánh 4 phương án vị trí điểm đầu dự án, hiện đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án 3 (điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại vị trí trước nút giao với cầu Tân Thuận 2), giúp giảm áp lực giao thông lên nút giao với cầu Tân Thuận 2 và nút giao với đường Huỳnh Tấn Phát hiện đang trong tình trạng quá tải.

Trong tương lai, khi lưu lượng giao thông tại nút giao vào cầu Tân Thuận 2 quá tải, Sở GTVT TPHCM cần xem xét hoàn thiện thành nút giao liên thông theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, trong điều kiện kinh phí cho phép, Bộ GTVT đề nghị nghiên cứu thêm phương án xây dựng cầu cạn nối thẳng từ đầu cầu Thủ Thiêm 4 dọc theo đường Huỳnh Tấn Phát và kết nối vào đường Vành đai 2.

Về tổng mức đầu tư, Bộ GTVT đề nghị rà soát, xác định tổng mức đầu tư phù hợp với suất đầu tư mà Bộ Xây dựng đã công bố. Bộ GTVT cũng lưu ý chủ đầu tư, tư vấn rà soát, tính toán sơ bộ chi phí giải phóng mặt bằng phù hợp với cơ chế, chính sách hiện hành để hạn chế việc điều chỉnh, bổ sung, làm chậm tiến trình triển khai dự án.

Về phương thức đầu tư, đơn vị tư vấn đề xuất dự án đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT trong đó, dự án thành phần 1 - BOT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 phần nhịp chính và cầu dẫn phía TP Thủ Đức; dự án thành phần 2 - ngân sách Nhà nước bồi thường hỗ trợ và tái định cư và xây dựng phần đường dẫn, cầu dẫn phía quận 7.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó cho phép áp dụng loại hợp đồng BT để xây dựng công trình hạ tầng. Do đó, Sở GTVT TPHCM, đơn vị tư vấn cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung Nghị quyết số 98/2023/QH15 để bổ sung thêm phương án đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT làm cơ sở so sánh, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tin cùng chuyên mục