(SGGP).- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, cả nước hiện còn hơn 30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Khu vực doanh nghiệp mới chỉ có 53% người lao động tham gia BHYT, người thuộc hộ cận nghèo dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng nhưng cũng chỉ đạt gần 20% tham gia.
Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng “lựa chọn ngược” tức là chỉ có người ốm, người bị bệnh, người già mới tham gia BHYT. Nguyên nhân là Luật BHYT chỉ quy định tham gia BHYT theo cá nhân mà không theo hộ gia đình nên chưa đảm bảo nguyên tắc chia sẻ cộng đồng, dẫn đến chỉ người già, ốm mới tham gia.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, nhân dịp Ngày BHYT toàn dân (1-7), bộ sẽ phối hợp BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, đề xuất tăng mức chi trả tối đa từ 42 triệu đồng (xấp xỉ 40 tháng lương tối thiểu) lên 46 triệu đồng (gần 10%) cho một lần sử dụng kỹ thuật cao, tương đương mức tăng lương tối thiểu ở cùng thời điểm; đề nghị bổ sung quy định thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh có BHYT khi số tiền người bệnh cùng chi trả vượt quá 12 tháng lương cơ bản 1 năm đối với người có thời gian đóng BHYT 5 hoặc 10 năm.
* Ngày 1-7, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã giám sát hai bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Trãi về hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Theo bác sĩ Võ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, những quy định cứng nhắc trong khám, chữa bệnh BHYT vừa gây khó cho người bệnh, vừa tạo áp lực cho bác sĩ. Bác sĩ không lo tập trung chuyên môn mà chỉ đối phó với thủ tục BHYT để khỏi bị phạt. Bệnh viện nhiều lúc cũng buộc phải linh động giải quyết, bất chấp quy định cứng nhắc.
Ông Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đề nghị Sở Y tế TP tăng số lượng thẻ BHYT cho bệnh viện vì số thẻ hiện nay quá ít. Các ý kiến cho rằng sau nhiều năm triển khai nhưng đến nay BHYT còn tồn tại nhiều bất cập.
Nhiều bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết do quy định cứng nhắc của BHYT nên người dân còn gặp khó khăn, phiền toái trong khám, chữa bệnh BHYT như: thủ tục rườm rà, chưa được hưởng quyền lợi khi tham gia điều trị kỹ thuật cao, phải ứng tiền trước (bệnh nhân tâm thần, nghèo); nguy cơ lạm dụng BHYT…
NGUYỄN QUỐC - TƯỜNG LÂM
Chủ động dự phòng lây truyền HIV mẹ con
(SGGP).- Bệnh viện Từ Dũ TPHCM cho biết vừa phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Ban Quản lý Dự án Life Gap trung ương, Văn phòng đại diện CDC tại Việt Nam, tổng kết Chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giai đoạn 2007 - 2012. Theo đó, trong 5 năm, chương trình đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho hơn 1,1 triệu phụ nữ mang thai, phát hiện hơn 2.612 thai phụ nhiễm HIV.
Trong đó, có 2.410 sản phụ nhiễm HIV được nhận thuốc dự phòng ARV (chiếm 86,7% trong số sản phụ nhiễm HIV sinh con). Đồng thời, chương trình cũng đã cấp thuốc ARV dự phòng cho 2.753 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và cấp sữa ăn thay thế sữa mẹ cho 2.650 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV…
GIA PHÚ