Để nguồn tài trợ cho giáo dục đại học được nhiều hơn...

Trường đại học (ĐH) không chỉ cần giảng đường rộng lớn mà cần một hệ thống phức hợp đồng bộ khác gồm giảng viên, phòng thực hành thí nghiệm, thư viện, bảo tàng văn hóa nghệ thuật, công ty trực thuộc để nghiên cứu phát triển sản phẩm và có khả năng thương mại, ký túc xá, các câu lạc bộ nghệ thuật, học tập… Chính vì vậy, trường ĐH cần rất nhiều tài trợ từ nhà nước và xã hội. 
Ký túc xá Cỏ May tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM được xây từ nguồn tài trợ của cố doanh nhân Phạm Văn Bên
Ký túc xá Cỏ May tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM được xây từ nguồn tài trợ của cố doanh nhân Phạm Văn Bên

Những tài trợ thầm lặng

PGS-TS Nguyễn Đình Tứ, Giám đốc Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, trong thời gian qua, quỹ đã được nhiều doanh nghiệp, địa phương tài trợ khoảng 300 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong đó, khoảng 200 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, riêng xây dựng ký túc xá cho sinh viên từ các địa phương tài trợ lên đến cả trăm tỷ đồng; còn lại là các trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thực hành…

GS Trần Thanh Vân và phu nhân là GS Lê Kim Ngọc là những điển hình về sự đóng góp cho khoa học và giáo dục của nước nhà. Năm 1993, Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam (GGVN) ra đời là kết quả của sự trăn trở đầy tâm huyết của vợ chồng giáo sư. Từ đó đến nay, Hội GGVN đã tổ chức thành công 15 lần các chuỗi hội nghị khoa học “Gặp gỡ Việt Nam”, thu hút hàng ngàn nhà khoa học danh tiếng trên thế giới đến Việt Nam để tham dự và giảng dạy.

Dưới sự bảo trợ của Hội GGVN, các quỹ học bổng khuyến học khuyến tài mang tên “Vallet - Gặp gỡ Việt Nam”, “Vallet - Fellowship” cũng lần lượt ra đời. Đến nay đã có hơn 30.000 suất học bổng với tổng trị giá gần 400 tỷ đồng được trao cho trên 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam trên toàn quốc. Thành công lớn nhất của Hội GGVN là đã phối hợp với các giáo sư Pháp đào tạo hơn 1.500 giáo viên giảng dạy kiến thức khoa học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột - La main à la pate”. 

Cách đây 5 năm, với sự tài trợ của cố doanh nhân Phạm Văn Bên (chủ DNTN Cỏ May ở tỉnh Đồng Tháp), ký túc xá Cỏ May đã được xây dựng với kinh phí gần 40 tỷ đồng để tạo điều kiện tốt nhất về chỗ ăn ở, học hành cho sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi, có đạo đức tốt, trúng tuyển vào các trường đại học tại TPHCM và vùng lân cận. Đây có thể là ý tưởng rất mới theo mô hình học xá ở một số nước tiên tiến, tức nơi ở đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, sáng tạo, học tập, thể thao, rèn luyện tinh thần, chứ không chỉ là một ký túc xá đơn thuần. Đến nay, ký túc xá Cỏ May gần như kín chỗ với 600 sinh viên đăng ký ở miễn phí và nhận học bổng…

Cần cơ chế và minh bạch  

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Tứ, trên thế giới, việc cho, hiến tặng tài sản với giá trị lớn cho các trường đại học rất phổ biến; nhiều tỷ phú về cuối đời còn hiến tặng cả gia sản cho các trường đại học. Còn ở Việt Nam, việc các nhà hảo tâm đóng góp cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng chưa thật sự lớn. Có nhiều nguyên nhân nhưng dễ thấy nhất đó là do tâm lý phần đông chưa quan tâm nhiều đến tài trợ, hiến tặng cho giáo dục đại học; bản thân các trường đại học chưa đủ sức hút và danh tiếng để tạo niềm tin với các nhà hảo tâm. 

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho rằng, Việt Nam không thiếu những nhà hảo tâm lớn mà vấn đề là ở cách thực hiện. Để làm được điều này, các trường đại học cần cùng với nhà đầu tư hướng đến bảo đảm các mục tiêu, tiêu chí đã xác định, phải cùng nhau chia sẻ những thành quả hoặc khó khăn, bảo đảm lợi ích chung, tránh lạm dụng, sử dụng sai mục đích các khoản tiền tài trợ, hiến tặng. Mặt khác, muốn thu hút được tài trợ, chắc chắn phải bảo đảm mục tiêu của các bên, phía trường đại học thường có điểm nhấn nào đó phù hợp thì nhà đầu tư mới hướng đến, các trường phải giữ và tạo dựng uy tín, khẳng định được chất lượng giảng dạy, thương hiệu nhà trường. 

Theo một giáo sư một trường đại học lớn tại TPHCM, sự việc một doanh nhân Việt Nam vừa tài trợ 155 triệu bảng Anh cho một trường của ĐH Oxford (Anh) khiến dư luận có nhiều thắc mắc. Nhưng hãy bỏ qua thắc mắc mà chúng ta phải nhìn thẳng và đi tìm nguyên nhân vì sao ở nước ta hiếm gặp hiện tượng người giàu hiến tặng tài sản cho giáo dục đại học. Sự tài trợ, hiến tặng chỉ trở nên phổ biến khi các nhà hảo tâm và nhà trường có chung lý tưởng phát triển xã hội và quốc gia, đồng thời có cơ chế quản lý minh bạch để bảo đảm số tiền được chi đúng mục đích. 

Ở các nước phát triển, đại học công lập cũng như đại học tư đều nhận được rất nhiều hiến tặng, tài trợ rất lớn, có trường nhận đến vài chục tỷ USD... để thực hiện sứ mệnh phục vụ cho lợi ích quốc gia và nhân loại. “Tuy nhiên, thực tế ở nước ta xưa nay việc tài trợ, hiến tặng cũng có nhưng phần lớn là ở các đại học công. Còn ở đại học tư chúng ta rất hiếm thấy hiện tượng hiến tặng vì phần lớn các đại học tư hiện nay do các doanh nghiệp là chủ sở hữu và mặc định là trường không vì lợi nhuận nhưng thực tế là chia cổ tức, hoạt động như một doanh nghiệp”, vị giáo sư thẳng thắn nói. 

Theo các chuyên gia, trong các quy định hiện hành có quy định về việc miễn giảm thuế cho các khoản tài trợ, cho, hiến tặng cho giáo dục có sự chồng chéo và chưa rõ ràng. Do đó, ngoài sự nỗ lực cải thiện chất lượng, uy tín của các trường đại học, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần rõ ràng minh bạch để tạo thuận lợi cho cá nhân, mạnh thường quân khi tài trợ cho giáo dục đại học.

Tin cùng chuyên mục