
Rạng sáng 15-10, con đê nối giữa cầu Bình Phú và cầu Bảy Nhạo, phường Tam Phú và Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức vỡ đoạn bờ bao dài 5m, nước tràn vào hàng trăm nhà dân sâu gần 0,5m làm ngập úng hàng ngàn chậu mai kiểng và hoa màu.
Đê vỡ - Bao nỗi nhọc nhằn
Sau 30 phút vỡ đê, nước đã ngập sâu nhiều khu vực ở khu phố 2, 3, 7… phường Tam Phú và Hiệp Bình Chánh - có nơi ngập cả mét - cuốn trôi hàng ngàn chậu mai kiểng, hàng chục ao cá. Ông Nguyễn Văn Phong, tổ 7, khu phố 2, phường Tam Phú cho biết vào khoảng 4 giờ sáng 15-10, thấy nước chảy cuồn cuộn, ông chạy ra sân thì nước đã lút quá đầu gối. Nước đã cuốn trôi 3 ao cá tra nuôi cả năm nay (khoảng 400 con) và 3 ao rau muống, hàng trăm chậu mai của ông.

Ông Thành bức xúc trước cảnh vườn mai bị ngập.
Tại nhà ông Nguyễn Văn Thanh, tổ 7, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, nước ngập lênh láng cả khu vườn mai, vật dụng trong nhà bàn ghế, quần áo, xe cộ. Ông bức xúc: Ngập như vầy làm sao ở, người lớn còn đỡ trẻ con làm sao?! Bà con khu phố này sống nhờ vào mấy chậu mai, cây kiểng nước ngập, thối gốc chết sạch, cả nhà chắc phải “treo mỏ”.
Hai ngày qua, ông mướn máy bơm nước cứu vớt vườn mai. Hầu như hàng chục vườn mai, cây kiểng, cây ăn trái, hoa màu khác có giá trị kinh tế cao ở phường Hiệp Bình Chánh và Tam Phú đều bị ngập nặng. Điều khiến bà con ở đây lo lắng hiện nay là hàng ngàn chậu mai, cây hoa kiểng đang có nguy cơ bị chết vì nước tràn vào làm thối rễ.
Thủ Đức hiện có hơn 45km bờ bao, nhưng việc gia cố còn quá chậm nên bờ bao ở những nhánh sông nhỏ có nguy cơ bị vỡ. Nguy hiểm nhất như rạch Bà Cả (dài 550m), rạch Đỉa (780m), rạch Ụ Ghe (845m) và công trình chống sạt lở bờ bao ven sông Sài Gòn thuộc khu phố 8, phường Linh Đông có hơn 500 hộ dân sống cặp theo ven sông.
Dự án chậm vì chờ thủ tục
Ở huyện Củ Chi, tình trạng vỡ bờ bao cũng có thể xảy ra nhiều nơi. Tại xã Bình Mỹ, đê bao vừa yếu lại thấp như nhiều đoạn ở rạch Dừa, rạch Vàm Thầy, rạch Cây Điệp, rạch Mười Lến, rạch Lớn. Đoạn đê bao Trung An - Hòa Phú, một số cống điều tiết trên sông Sài Gòn xây dựng từ năm 1990 bị sạt mái phía thượng lưu.
Các bờ bao rạch Cây Đào, rạch Ông Báng, rạch Đình, rạch Bến Mương ở xã Trung An có thể bị vỡ. Xã Phú Mỹ Hưng, dài khoảng 4.500m nhưng suối Hố Bò bị tắt nghẻn dòng chảy vì cây cối và lục bình phủ kín lòng rạch, buộc phải nạo vét, đắp bờ bao, khai thông dòng chảy nhiều đoạn.
Huyện Củ Chi cũng đề nghị cấp kinh phí xây dựng cống tiêu thoát qua kênh Vườn Trầu, xã Phước Thạnh; lắp đặt hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư ấp Chợ, giải quyết thoát nước cho gần 140 hộ. Các xã Nhuận Đức, Thái Mỹ, Tân Thạnh Tây cũng đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng cống, nạo vét, nâng cao bờ bao và mở rộng đoạn đê bao ngay trong mùa mưa bão này.
Tại huyện Hóc Môn tình trạng vỡ đê bao cũng đáng báo động. Ông Trần Văn Hùng, cán bộ phụ trách phòng chống bão lụt xã Nhị Bình cho biết, đây là xã trũng nhất của huyện. Trước đây, ngoài những khúc đê trọng điểm do nhà nước đầu tư, phần còn lại đều do người dân tự giác đắp, gia cố hàng năm.
Qua khảo sát, hiện có nhiều đoạn đê bao quá yếu như nhánh sông Bà Hồng (ít nhất 3 khúc cua có nguy cơ bị vỡ). Nhiều nhánh khác lỗ mọt, lỗ chuột dày đặt. Nếu không gia cố, mùa mưa đến việc vỡ bờ bao là không tránh khỏi. Nhưng địa phương bất lực vì muốn gia cố thì phải có tiền, nhưng kinh phí thành phố rót xuống không đủ, chỉ có thể gia cố những tuyến đê bao trọng điểm.
Nhằm khắc phục hậu quả sự cố vỡ đê ở phường Hiệp Bình Chánh, ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý khai thác công trình thủy lợi quận Thủ Đức cho biết, trước mắt triển khai nhanh các biện pháp giải quyết hậu quả đoạn đê bị vỡ như tăng cường kiểm tra gia cố, dùng máy bơm nước ra sông và điều chỉnh lại một số cống nội đồng.
Hiện nay, xí nghiệp đang chờ hỗ trợ kinh phí của của quận và TP để triển khai gia cố một số rạch có nguy cơ bị vỡ như rạch Bà Cả, rạch Đỉa, rạch Ụ Ghe và công trình chống sạt lở bờ bao ven sông Sài Gòn thuộc khu phố 8, phường Linh Đông. Tuy nhiên, để triển khai phải chờ duyệt thiết kế đúng theo nguyên tắc xây dựng cơ bản mới thực hiện được.
QUỐC HÙNG