Đề xuất mức phí cơ sở 1.900 đồng/xe/km cho đường Vành đai 4 Thủ đô

Tại báo cáo bổ sung HĐND TP Hà Nội về việc ý kiến tác động thực hiện Dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã đưa ra mức thu phí đường Vành đai 4 thực hiện theo hình thức PPP.
Sơ đồ đường Vành đai 4 Thủ đô
Sơ đồ đường Vành đai 4 Thủ đô

Theo đó, mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án được áp dụng theo khung giá vé của dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 hợp đồng BOT đã được Bộ GTVT phê duyệt. Với thời gian dự kiến đưa vào khai thác năm 2027, mức thu phí cơ sở là 1.900 đồng/xe/km (dưới 9 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn).

Giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc sẽ được điều chỉnh tăng 3 năm/1 lần theo khung giá được quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT, nhằm đảm bảo khả năng thu hồi vốn và có lợi nhuận cho nhà đầu tư. Mức thu phí này cũng được tính toán phù hợp với sức chi trả của người sử dụng phương tiện.

Theo UBND TP Hà Nội, Dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô có chiều dài dự kiến 112,8km, quy mô 4 làn xe, với 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng cùng các lối ra vào, bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.

Dự án có tổng mức đầu tư 56.536 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 18.313 tỷ đồng, ngân sách địa phương 8.776 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng. Việc huy động được nguồn lực từ xã hội sẽ giảm đáng kể áp lực vốn ngân sách nhà nước.

Đồng thời, việc đầu tư theo hình thức BOT cũng làm giảm nguồn ngân sách nhà nước phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình. Hiện chi phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc khoảng 3 tỷ đồng/km/năm. Với 112,8 km, mỗi năm tuyến đường Vành đai 4 cần khoảng hơn 300 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội cũng cho biết, đây là dự án đầu tư tuyến mới, người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ, thu phí theo chiều dài sử dụng nên đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng.

Tin cùng chuyên mục