
Linh hồn của ban nhạc lễ Gò Vấp là nghệ nhân dân gian Tám Nhứt (Phan Văn Nhứt), người nghệ sĩ đã có hàng chục năm sống thăng trầm, nuôi dưỡng nhiều ước mơ và tình yêu âm nhạc dân tộc.

GS-TS Trần Văn Khê (bìa phải) và ban nhạc lễ Gò Vấp trong buổi giao lưu với bạn trẻ, giới thiệu âm nhạc dân tộc.
Bây giờ thì tuổi đã cao, ông đang sống rất thanh thản, vui tuổi già, đứng sau cánh gà làm cố vấn âm nhạc cho lớp trẻ, nhường không gian sinh hoạt, học tập, biểu diễn nhạc lễ dân tộc cho con cháu.
Tính ra cũng có đến 5 đời trong gia đình họ Phan đã và đang theo nghề truyền thống: học, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, các nghi thức nghi lễ truyền thống. Ban nhạc hiện nay có gần 30 người, đa số là lực lượng trẻ, có nhiều em đang là sinh viên ngành nhạc dân tộc, các thành viên đều được đào tạo bài bản về nhạc lễ, phải trải qua 5 lớp với từng phần học riêng biệt, tuy rất khó nhưng khá thú vị: học tiết tấu gõ nhịp với học gõ sừng trâu, vỗ trống cơm, sáng bạc - đẩu, trống âm dương, đàn cò, học về giai điệu, các loại kèn...
Vì nhạc lễ là nhạc không lời lấy tiết tấu làm chính, giai điệu chỉ hỗ trợ thêm, thế nên người nghe nếu không được giải thích cặn kẽ thì khó mà cảm nhận hết được nét đặc biệt, độc đáo của nhạc lễ. Bắt đầu từ năm 1992, khi ban nhạc có những bước đi mới: đưa nhạc lễ lên sân khấu biểu diễn thành từng tiết mục độc lập, đã tạo nên một bước phát triển tiến bộ, phù hợp với thời đại mới để nhạc lễ dễ tiếp cận khán giả hơn.
Và trên hết, dưới sự dẫn dắt của GS-TS Trần Văn Khê, cuối năm 2006 vừa qua, nhạc lễ truyền thống Việt Nam đã lên đường đi Italia biểu diễn, giới thiệu đến khán giả nước ngoài một thể loại âm nhạc Việt Nam đặc biệt, đậm chất truyền thống dân tộc nhưng cũng rất mới lạ, độc đáo, một thể loại âm nhạc lúc tràn đầy sức sống mãnh liệt, lúc lại du dương những giai điệu quê hương hiền hòa.
Qua sự giải trình, diễn thuyết về âm nhạc rất duyên dáng, lối nói chuyện thu hút người nghe của GS-TS Trần Văn Khê, ban nhạc lễ Gò Vấp đã biểu diễn xuất sắc ba tiết mục “Nghinh thiêng tiếp giá”, “Trống bồng”, “Cung nghi hạ lớp” làm ngạc nhiên và tạo được sự thích thú từ những khán giả người nước ngoài. Nhiều người bày tỏ họ cảm nhận được sự sâu sắc trong giai điệu âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, ban nhạc đang tập một số bài mới như “đảo bụa”, “tư rơi”, “lớp sổ”, “đàn dội”... để chuẩn bị cho các chương trình biểu diễn phục vụ. Ngoài ra, ban nhạc lễ thường biểu diễn phục vụ tại khu du lịch Bình Quới, Cung văn hóa Lao động, sân khấu IDECAF, thu hình Đài Truyền hình TPHCM. Đặc biệt, sau buổi biểu diễn tại Lãnh sự quán Pháp TPHCM vừa qua, Lãnh sự quán Pháp đã có lời mời GS-TS Trần Văn Khê và ban nhạc sang Pháp biểu diễn trong thời gian tới.
Anh Phan Nhứt Dũng, giảng viên nhạc dân tộc Trường Cao đẳng Sân khấu-Điện ảnh TPHCM, trưởng ban nhạc lễ Gò Vấp, tâm sự: “Đem nhạc lễ truyền thống dân tộc giới thiệu đến được với người nước ngoài là một điều đáng mừng. Tuy nhiên với chính người dân Việt Nam mình thì lại chưa có nhiều điều kiện tiếp cận và hiểu được nghệ thuật nhạc lễ truyền thống, đó lại là nỗi lo.
Còn một điều buồn khác nữa là hiện nay nhiều người thường hiểu lầm nhạc đám ma chính là nhạc lễ, nhưng trên thực tế nhạc đám ma có quá nhiều cải tiến. Nhạc lễ là âm nhạc dân tộc nghiêm túc, không phải là nhạc mua vui cho đỡ buồn. Hy vọng sau này, dù không có bác Khê thuyết minh, diễn giải nhưng vẫn sẽ có nhiều người xem, hiểu, yêu thích và chia sẻ tình yêu âm nhạc truyền thống dân tộc với chúng tôi!”.
Bảo Lâm