Đến lúc cần minh bạch

Văn phòng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công thương, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nghiên cứu, xây dựng cơ chế điều hành nhập khẩu đường thời gian tới. Cơ chế này phải đảm bảo quyền lợi người dân trồng mía, nhà máy chế biến đường và tuân thủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Văn phòng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công thương, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nghiên cứu, xây dựng cơ chế điều hành nhập khẩu đường thời gian tới. Cơ chế này phải đảm bảo quyền lợi người dân trồng mía, nhà máy chế biến đường và tuân thủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chưa biết sự việc cụ thể sẽ diễn ra như thế nào, nhưng với những người trong ngành mía đường, đây là động thái tích cực. Bởi sự việc này VSSA nhiều lần phản ánh, nêu ý kiến và đề xuất với Bộ Công thương mấy năm nay. Theo VSSA, danh sách đơn vị được phép nhập khẩu đường theo hạn ngạch WTO gần như là điều “bí mật quốc gia”. Đây là việc làm không bình thường vì lẽ ra phải công khai, minh bạch, nhất là với tổ chức ngành nghề như VSSA liên quan đến hàng triệu lao động càng phải được biết. VSSA kiến nghị, nên tổ chức đấu thầu đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan (khoảng 70.000 tấn/năm).

Trước đó, theo Bộ Công thương, không thể tổ chức đấu thầu vì phương thức này không có trong điều khoản ký kết giữa Việt Nam với các nước thành viên của WTO nên chưa thể áp dụng được. Thế nhưng những chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, cam kết của WTO yêu cầu Việt Nam mở cửa cho nhập khẩu đường bằng quản lý hạn ngạch, còn việc phân bổ hạn ngạch như thế nào WTO không can thiệp. Cuối tuần qua, một vị nguyên lãnh đạo đàm phán WTO thời đó đã nói, việc này tùy theo ứng xử của mình, chỉ cần đảm bảo nguyên tắc của WTO là không phân biệt đối xử và công khai, minh bạch.

Theo ông Đỗ Thanh Liêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Khánh Hòa, Phó Chủ tịch VSSA, những ai trong ngành mía đường đều biết, giá giao dịch đường thị trường thế giới luôn thấp hơn giá bán tại chính các nước xuất khẩu đó như Brazil, Thái Lan… Đây là điều có vẻ vô lý, nhưng là thực tế, vì khi xuất khẩu, các công ty ở những nước này nhận nhiều ưu đãi về thuế… cùng những chính sách hỗ trợ khác của nhà nước để có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Như ở Thái Lan, nước xuất khẩu đường thứ 2 thế giới, có hẳn đạo luật về mía đường, giá đường tiêu dùng trong nước luôn cao hơn giá đường xuất khẩu. Và tất cả các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm tại Thái Lan sử dụng đường đều phải mua đường theo giá trong nước. Việc một nhóm nhỏ DN được cấp hạn ngạch nhập khẩu cả chục, thậm chí hàng chục ngàn tấn/năm về chế biến với giá rẻ hơn trong nước, hiện nay chênh lệch còn 1.000 đồng/kg đến 1.500 đồng/kg, con số này những năm qua là 4.000 - 5.000 đồng/kg, thì với 70.000 tấn đường nhập khẩu theo quota mỗi năm, con số chênh lệch mà “nhóm lợi ích” này được hưởng hàng năm không phải nhỏ!

Ở các nước, chính phủ điều tiết số tiền chênh lệch này để đầu tư lại cho những người trồng mía; ở Việt Nam số tiền này vào “nhóm lợi ích” được cấp quota. Nếu Chính phủ Việt Nam điều tiết số tiền này và các DN chế biến thực phẩm sử dụng đường phải mua đường theo giá thị trường trong nước, mới là điều sòng phẳng cùng với hàng ngàn DN chế biến thực phẩm khác. Giải quyết được việc này còn giúp giải quyết thêm vấn nạn khác, đó là một lượng đường tạm nhập tái xuất hàng năm chưa kiểm soát hết được mà nhiều nơi đang lợi dụng, không loại trừ đường tạm nhập tái xuất này được cung ứng theo kiểu xuất tại chỗ cho đường nhập khẩu theo hạn ngạch.

Chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ nhằm làm rõ và chấm dứt sự tranh cãi kéo dài. Thời điểm này càng có ý nghĩa hơn khi mà ngành mía đường trong nước gặp quá nhiều khó khăn khi nhà nước không kiểm soát được vấn nạn buôn lậu đường từ biên giới, đường tồn kho tăng cao, giá giảm, nguyên liệu mía chậm thu hoạch bị trổ cờ ở đồng ruộng… làm khổ bao nông dân.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục