Đến năm 2025 xử lý xong các tập đoàn nhà nước yếu kém

Dự thảo đặt ra mốc năm 2025 xử lý xong các tập đoàn yếu kém; cơ bản hoàn thành quá trình cơ cấu lại sở hữu doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao.
Quang cảnh cuộc hội thảo
Quang cảnh cuộc hội thảo

Chiều 24-9, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTV Quốc hội tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Dự thảo kế hoạch nêu rõ, diễn biến phức tạp và nặng nề của đại dịch Covid-19 đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần tập trung cho những giải pháp ngắn hạn, cấp bách, hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Trong bối cảnh mới, quan điểm đầu tiên được nêu tại kế hoạch là tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của giai đoạn 2016-2020 (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc hội thảo 

Dự thảo kế hoạch cũng đặt ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể tại 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Một số mục tiêu quan trọng là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, giảm dần thâm hụt ngân sách nhà nước, cả giai đoạn bình quân 3,7% GDP. Đến năm 2025 tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hàng năm trong phạm vi không quá 60% GDP, kinh tế số chiếm 20% GDP...

Đáng lưu ý, một chỉ tiêu quan trọng được nêu tại dự thảo là Việt Nam phấn đấu có 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Trước đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2016-2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp đã không trở thành hiện thực: thực tế mới đạt khoảng 812.000 doanh nghiệp.

Liên quan đến khu vực kinh tế nhà nước, dự thảo đặt ra mốc năm 2025 xử lý xong các tập đoàn yếu kém; cơ bản hoàn thành quá trình cơ cấu lại sở hữu doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất. Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống mức sàn theo quy định tại tất cả doanh nghiệp nhà nước và hoàn thành thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thuộc diện duy trì cổ phần, vốn góp của nhà nước…

Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10-2021, dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định ở kỳ họp thứ hai, khai mạc ngày 20-10-2021.

Tin cùng chuyên mục