Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Báo SGGP

Đến với đồng bào chiến khu Việt Bắc

Đến với đồng bào chiến khu Việt Bắc

Hình ảnh 10 cựu chiến binh mái tóc hoa râm trong bộ quân phục bạc màu nắng gió xuất hiện tại buổi trao vốn do bạn đọc Báo SGGP hỗ trợ các gia đình nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) làm những người có mặt không khỏi xót xa. Những người con của quê hương Việt Bắc đã hy sinh của cải ủng hộ kháng chiến, hy sinh cả xương máu, đi khắp các chiến trường bảo vệ tổ quốc, nay lại phải gánh thêm một nỗi đau không gì bù đắp được, nỗi đau do CĐDC gây ra…

Đến với đồng bào chiến khu Việt Bắc ảnh 1

Các cựu chiến binh nạn nhân CĐDC xã Điềm Mặc tại buổi lễ nhận vốn do Báo SGGP hỗ trợ.

Cách đây 60 năm (ngày 20-5-1947), khi Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên làm căn cứ địa, điểm dừng chân để xây dựng an toàn khu, xã Điềm Mặc là một trong những xã có nhiều cơ quan Trung ương đứng chân, trong đó có hội của những người viết báo, tiền thân của Hội Nhà báo ngày nay.

Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bà con dân tộc ở xã Điềm Mặc vừa che chở, bảo vệ, vừa nuôi giấu cán bộ, các cơ quan của Đảng, chính phủ tuyệt đối bí mật, an toàn, để lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với những công lao to lớn đó, xã Điềm Mặc đã vinh dự được Nhà nước phong tặng là xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đang lập hồ sơ khoa học, xây dựng bia, xếp hạng di tích lịch sử. Các đồng chí cán bộ xã kể, lúc ấy thương cán bộ kháng chiến vất vả, có con gà ngon, có nắm rau rừng tươi, bà con dành hết cho cán bộ.

Sau ngày cách mạng thành công, dù nhà nước dành nhiều sự quan tâm cho địa phương nhưng do điều kiện thiên nhiên không thuận lợi, đất sản xuất thiếu, cuộc sống bà con vẫn chưa khá lên được.

Đặc biệt là xã Điềm Mặc với 1.042 hộ dân thuộc 6 dân tộc khác nhau, sống rải rác ở 28 thôn bản với nghề chính là sản xuất nông nghiệp, chủ lực là cây lúa, cây chè và chăn nuôi. Thu nhập người dân thấp và không ổn định, nên vẫn được chính phủ xếp vào diện Chương trình 135 - xã đặc biệt khó khăn.

Đến xã Điềm Mặc những ngày này, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn những rẻo đất nằm ven chân núi dù chỉ bé tẹo nhưng vẫn xanh tươi đến nao lòng. Bà con chăm chút cho nguồn sống hiếm hoi của mình và vẫn một lòng với Đảng, không phàn nàn, kêu ca.

Những ngôi nhà ở các thôn bản bé nhỏ, đơn sơ, nhưng nhà nào cũng tinh tươm, đặc biệt là mát mắt với những vườn rau xanh mướt. Bà con chắt chiu, nhặt nhạnh từng cành cây, nhánh củi để vun vén cho cuộc sống vốn còn cơ cực của mình với một vẻ cam chịu.

Ông Đỗ Minh Phô, 64 tuổi, một trong mười cựu chiến binh được nhận số tiền vốn do bạn đọc Báo SGGP hỗ trợ lần này, cho biết, bản thân ông là nạn nhân CĐDC do ảnh hưởng từ những năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Phước Long. Dù bệnh tật quanh năm nhưng do cuộc sống còn khó khăn, ông vẫn phải quần quật trên mảnh vườn của mình.

Ông Mông Chí Linh, có cô con gái út 12 tuổi bị nhiễm CĐDC cũng cho biết, lâu nay, do không có vốn nên dù rất muốn phát triển sản xuất chăn nuôi cũng không thể xoay xở được. Được trợ vốn lần này, ông hy vọng sẽ có cơ hội cải thiện cuộc sống gia đình…

So với những hy sinh to lớn mà bà con xã Điềm Mặc đã dành cho kháng chiến và so với cuộc sống còn muôn vàn khó khăn của bà con hiện nay, số tiền 30 triệu đồng mà bạn đọc Báo SGGP ủng hộ cho xã quả thật là còn quá khiêm tốn, nhưng chúng tôi hy vọng, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập chiến khu Việt Bắc, cả nước sẽ hướng về quê hương cách mạng này và sẽ có nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa thiết thực để giúp bà con có cơ hội vươn lên…  

YẾN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục