Tín hiệu tích cực từ các dự án mới
Vào trung tuần tháng 3, Công ty CP May Sông Hồng đã khởi công xây dựng Khu sản xuất may xuất khẩu Sông Hồng - Nghĩa Hưng (Sông Hồng 10) tại xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Dự án có quy mô trên 40 chuyền may xuất khẩu và dệt vải, được xây dựng trên diện tích gần 75.000m² với tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng, dự kiến tháng 11 sẽ hoàn tất, đưa vào hoạt động. Sau khi khu sản xuất này đi vào hoạt động, dự kiến May Sông Hồng tăng doanh thu khoảng 5.500 tỷ đồng.
Trước đó, ở khu vực phía Nam, Nhà máy dệt nhuộm hoàn tất Trung Quy tại Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với năng lực sản xuất 2 triệu mét vải/năm, có tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng cũng được đưa vào hoạt động ngay trước tết. Cùng thời điểm, Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh đã được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy chuyên sản xuất sợi OE phục vụ công nghiệp may mặc với công suất 18.720 tấn/năm. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng và được xây dựng tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Lãnh đạo các DN nêu trên đều đồng quan điểm, việc đầu tư vào các dự án này sẽ giúp DN nâng cao năng lực, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho chính mình, đồng thời góp phần chủ động nguồn nguyên liệu cho cả ngành dệt may trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ vậy, các dự án này đi vào hoạt động đúng vào thời điểm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực, nên việc cung ứng một phần nguyên liệu cho ngành dệt may sẽ giúp DN Việt hưởng ưu đãi thuế quan nhờ thỏa mãn quy tắc xuất xứ của EU.
Cùng với việc đầu tư của các DN trong nước, một số dự án sợi, vải có vốn FDI cũng đang hoàn thành và đi vào sản xuất. Đơn cử như Công ty TNHH Texhong Dệt kim (Hồng Công, Trung Quốc) đầu tư nhà máy dệt kim tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư 214 triệu USD sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Gắn với bảo vệ môi trường
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ đứng thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ), thì năm 2019 đã vượt lên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, khả năng tự cung ứng nguyên liệu của ngành vẫn còn nhiều khoảng trống, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Đơn cử năm 2020, ngành dệt may xuất khẩu 35 tỷ USD, nhưng nhập gần 20 tỷ USD nguyên phụ liệu, trong đó riêng vải đã gần 12 tỷ USD. Do vậy, việc có thêm các dự án sản xuất nguyên liệu gần đây vừa tăng cơ hội cho DN xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA khi đáp ứng quy tắc xuất xứ, vừa tạo thêm việc làm cho lao động trong nước.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang, ngành dệt may đang đứng trước thách thức không nhỏ khi các nhà nhập khẩu đưa ra yêu cầu về môi trường. Đó là phát triển sản phẩm theo hướng xanh hóa, sản phẩm an toàn, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng… Đáng nói, đây là xu thế tất yếu, đòi hỏi các DN dệt may Việt phải thay đổi. Vì vậy, khi đầu tư các DN cần hướng tới nền tảng tự động hóa gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các DN cần tiếp tục liên kết chuỗi chặt chẽ hơn để đạt các chuẩn mực quốc tế trong các FTA.
Đánh giá về bức tranh của ngành dệt may trong năm nay, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho rằng, đến nay trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, dự báo xuất khẩu của ngành tiếp tục gặp khó và kim ngạch xuất khẩu chỉ có thể đạt khoảng 37-38 tỷ USD.
Về nguyên phụ liệu, Vitas cho rằng, với những dự án đã và đang đầu tư có thể đảm bảo phần cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các FTA, DN dệt may cần nghiên cứu kỹ cam kết, lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Sau đó, chủ động có kế hoạch đáp ứng quy tắc xuất xứ và nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
“Về lâu dài, để hỗ trợ hiệu quả đầu tư, gỡ bỏ vướng mắc, rào cản cho DN dệt may, Vitas kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035; chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm, tiến tới tự chủ phần lớn nguyên liệu và đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA thế hệ mới”, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang nói.