Thứ trưởng Bộ VH-TT Trần Chiến Thắng:

Di sản là thương hiệu của quốc gia

Di sản là thương hiệu của quốc gia

Thông tin về việc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tạm dừng hồ sơ tiến cử cảnh quan hai bờ sông Hương đã tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Hôm qua, 6-3, phóng viên SGGP đã trao đổi với ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT xung quanh vấn đề này.

Di sản là thương hiệu của quốc gia ảnh 1

Một trong 6 mũi khoan thăm dò phục vụ dự án Life Resort trên đồi Vọng Cảnh.

- PV: Xin ông cho biết quan điểm của Bộ VH-TT về việc tỉnh Thừa Thiên - Huế tạm dừng hồ sơ đề cử thắng cảnh hai bờ sông Hương là di sản văn hóa thế giới?

- Ông Trần Chiến Thắng: Việc được công nhận là di sản văn hóa thế giới là một vinh dự đối với không chỉ vùng đất đó mà là cả quốc gia. Trong quá trình làm hồ sơ thì được toàn bộ dân chúng và cả lãnh đạo ủng hộ.

Sự ủng hộ rất hiếm có mà không phải địa danh cũng như di sản nào cũng có được. Được công nhận di sản thế giới chính là một “thương hiệu” tuyệt vời, nó không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà còn có tác động lớn đối với kinh tế.

Hơn thế nữa, đây được coi là một cách quảng bá du lịch tuyệt vời nhất đối với vùng đất này mà không phải cứ có tiền là có thể tạo ra được. Nó có thể tạo ra một làn sóng du lịch rất mạnh mẽ và tạo nên bước đột phá đối với du lịch. Không phải ngẫu nhiên mà danh sách xin được đề cử vào danh sách di sản văn hóa thế giới lại luôn dài dằng dặc như vậy.

Thử nhìn nhận một cách khách quan tại sao các nước lại rất coi trọng vấn đề này trong khi mà việc lập hồ sơ rất tốn kém cả về sức người lẫn sức của và không có một sự hỗ trợ trực tiếp nào về mặt vật chất từ phía UNESCO khi được công nhận là di sản. Đơn giản vì được công nhận di sản văn hóa thế giới - không phải là tiền bạc, mà là thương hiệu của một vùng đất, một quốc gia.

- Nếu như việc tạm dừng là có thật thì Bộ sẽ xử lý thế nào?

- Bộ VH-TT đang quan tâm và theo dõi rất sát sao những diễn biến ở khu di tích này. Cho tới lúc này (16g chiều 6-3) Bộ VH-TT chưa nhận được thông tin chính thức gì về việc dừng tiến hành làm hồ sơ đối với cảnh quan hai bờ dòng sông Hương.

Sông Hương cũng như toàn bộ cảnh quan hai bên bờ, trong đó có khu vực đồi Vọng Cảnh, là một bộ phận hữu cơ của di sản Huế. Tuy biết rằng việc lập hồ sơ đòi hỏi nhiều công sức và thời gian, phải trải qua một quy trình rất chặt chẽ với nhiều tiêu chí khắt khe, nhưng việc này sẽ tạo cho Huế một diện mạo mới hoàn chỉnh hơn. Việc làm hồ sơ đối với di sản này đã được Chính phủ cho phép, dân ủng hộ. Nếu dừng lại thì thực sự đó là một việc rất đáng tiếc.

- Việc tạm dừng làm hồ sơ này có nhiều ý kiến cho rằng có liên quan tới việc khai thác, sử dụng một vài địa điểm dọc bên bờ sông Hương. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nếu như vì bất cứ lý do gì để dừng công việc này lại thì cũng cần phải cân nhắc rất kỹ và đặt trong bối cảnh về thời gian, cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Không nên vì cái lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng tới những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá như Huế - không phải nơi nào cũng dễ dàng có được. Nếu việc dừng làm hồ sơ di tích này có thật và việc này tạo điều kiện cho những việc làm xâm hại tới giá trị của khu vực này chứ không nhằm mục đích quy hoạch và phát triển lâu dài. Như vậy Bộ VH-TT chắc chắn sẽ có những quyết định quyết liệt hơn.

- Xin cảm ơn ông.

THU HÀ

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế chỉ đạo:
Tạm dừng khoan thăm dò địa chất đồi Vọng Cảnh

Ngày 6-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế có Công văn số 45/CVTU yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, UBND TP Huế cùng các sở, ban ngành liên quan chỉ đạo phía đối tác Hà Lan, Công ty Du lịch Hương Giang tạm dừng việc khoan thăm dò khu vực đồi Vọng Cảnh cho đến khi quy hoạch chi tiết khu vực này được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu việc triển khai dự án Life Resort ở khu vực đồi Vọng Cảnh phải được thực hiện đúng theo quy định về trình tự thủ tục xây dựng cơ bản.

Được biết, trước đó, chủ đầu tư dự án Life Resort trên đồi Vọng Cảnh là Công ty Liên doanh Vọng Cảnh đã nhận được Công văn 254 do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ký ngày 25-1-2006, cho phép Công ty Liên doanh Vọng Cảnh được phép khoan thăm dò địa chất tại khu vực đầu tư xây dựng khu du lịch Life Resort tại đồi Vọng Cảnh với quy mô 4,1 ha.

Ngay sau đó, đơn vị chủ đầu tư đã tiến hành khoan 6/8 mũi khoan tại khu vực trên. Khi biết được việc làm này, một cơ quan chức năng của Thừa Thiên-Huế cũng như người dân Thừa Thiên-Huế tỏ ra bức xúc, bởi cho đến thời điểm này việc quy hoạch tổng thể cho đồi Vọng Cảnh vẫn chưa được cơ quan chức năng nào thông qua. Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế yêu cầu tạm ngưng việc khoan thăm dò đồi Vọng Cảnh đã được nhiều người đồng tình ủng hộ.

Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế đề nghị Bộ VH-TT có ý kiến với tỉnh Thừa Thiên-Huế

Ngày 6-3, Sở VH-TT Thừa Thiên- Huế đã có công văn số 151/SVHTT do Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Xuân Hoa ký gửi Bộ VH-TT báo cáo về việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với cảnh quan sông Hương và việc khoan thăm dò địa chất ở đồi Vọng Cảnh.

Công văn đã điểm lại các bước trong tiến trình lập hồ sơ của di sản này cũng như tiến trình khoan thăm dò địa chất ở khu vực đồi Vọng Cảnh. Công văn nêu rõ: Ngày 25-4-2005 ,Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 83/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về hướng giải quyết tiếp. Đó là “UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động làm việc thêm với Bộ XD, Bộ VH-TT để đảm bảo tính chặt chẽ của các văn bản, hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý của dự án”...

Vì thế, trước diễn biến của thực tế hiện nay, Sở VH-TT Thừa Thiên- Huế kiến nghị Cục Di sản văn hóa và Bộ VH-TT chính thức có ý kiến tham gia với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế để góp phần thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo tồn và phát huy tốt di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước.

Tin cùng chuyên mục