Đi tìm kỷ vật về Bác

“Quyết tâm thư của Hội Mẹ chiến sĩ ấp Tân Bình, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 10-11-1954”, “Bức thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Phạm Văn Còn ở xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long thêu trong khám Chí Hòa năm 1959”, “Bút máy hiệu Hero - Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Anh hùng Lao động Lê Minh Đức năm 1958. Ông Lê Minh Đức tặng bảo tàng năm 2013”, “Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Cao Văn Đằng, năm 1969 đến năm 2012”... Đằng sau từng hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM là những câu chuyện ấm áp nghĩa tình.
Đi tìm kỷ vật về Bác

“Quyết tâm thư của Hội Mẹ chiến sĩ ấp Tân Bình, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 10-11-1954”, “Bức thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Phạm Văn Còn ở xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long thêu trong khám Chí Hòa năm 1959”, “Bút máy hiệu Hero - Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Anh hùng Lao động Lê Minh Đức năm 1958. Ông Lê Minh Đức tặng bảo tàng năm 2013”, “Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Cao Văn Đằng, năm 1969 đến năm 2012”... Đằng sau từng hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM là những câu chuyện ấm áp nghĩa tình.

1. Lúc còn sống, Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Bi từng tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM Huân chương Kháng chiến hạng nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng vì những thành tích trong chiến đấu. Sau khi bà mất vào năm 2011, các cán bộ, nhân viên của bảo tàng thỉnh thoảng vẫn đến nhà thăm gia đình ở quận Phú Nhuận TPHCM. Một lần, sau khi thắp nén nhang tưởng nhớ “nữ kiệt miền Đông” Hồ Thị Bi, chị Nguyễn Thanh Dung (nhân viên bảo tàng) nhìn thấy trên bàn thờ, kế bên di ảnh có tấm bằng của huân chương đã được bà trao tặng trước đó. Tấm bằng do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 30-12-1949 là một kỷ vật rất quý giá. Chị Dung và anh Nguyễn Việt Hùng (Trưởng phòng Sưu tầm - Trưng bày) ngỏ lời xin nhưng bác Trương Văn Đa, con trai bà Hồ Thị Bi, chỉ đồng ý cho mượn để scan. Sau mấy lần anh Hùng, chị Dung tới lui thuyết phục, bác Đa thương lượng cùng gia đình và quyết định tặng bảo tàng bản chính, gia đình giữ lại bản scan làm kỷ niệm. Câu nói của bác Đa: “Tao để ở nhà cũng hư hao, chẳng thà để ở bảo tàng cho nhiều người cùng xem” là sự trả công đầy hạnh phúc đối với sự kiên trì thuyết phục của những người làm công tác sưu tầm kỷ vật.

TS Nguyễn Thị Hoa Xinh (phải) tiếp nhận hiện vật do bà Đinh Thị So (con dâu ông Cao Văn Đằng) trao tặng ngày 4-8-2011.

TS Nguyễn Thị Hoa Xinh (phải) tiếp nhận hiện vật do bà Đinh Thị So (con dâu ông Cao Văn Đằng) trao tặng ngày 4-8-2011.

2. Một ngày tháng 9-1969, nghe radio - đài Hà Nội, ông Cao Văn Đằng (sinh năm 1922, ở thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Dẫu chưa được gặp, chỉ biết Bác Hồ khi nghe qua radio nhưng ông Đằng vô cùng yêu kính Bác. Ông khóc Bác Hồ như khóc một người thân vừa vĩnh viễn đi xa và quyết định âm thầm “cúng thất” Bác Hồ - 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày. Từ đó về sau, ngày 3-9 hàng năm (sau này đổi thành ngày 2-9), gia đình ông đều tổ chức lễ giỗ Bác Hồ. Để làm cơm cúng, ông dùng đầu trái bom xăng của địch làm gàu tát mương bắt cá. Mỗi năm ông chỉ sử dụng chiếc gàu đặc biệt này một lần. Dùng xong, ông lại cất cho đến kỳ giỗ năm sau. Sau khi ông Đằng qua đời vào năm 2010, con cháu ông vẫn tiếp tục cúng giỗ Bác như truyền thống trong gia đình, nhưng với bàn thờ mới khang trang hơn. Khi ông Đằng còn sống có tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM chân cắm nhang (làm từ đầu trái pháo đinh). Riêng những đồ vật khác như chân dung Bác Hồ, “chiếc gàu” để bắt cá cúng Bác Hồ, đôn kê bát nhang, sách “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” có Di chúc của Bác... đặt trên bàn thờ, ông giữ lại làm gia bảo.

Mong muốn bổ sung, giới thiệu rộng rãi những hiện vật quý hiếm này, chị Nguyễn Thị Hoa Xinh (Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM) trực tiếp cùng chị Nguyễn Thị Việt Hồng (Trưởng phòng Kiểm kê - Bảo quản, người có hơn 30 năm làm công tác sưu tầm hiện vật) tìm đến tận nhà ông Đằng thuyết phục. “Khi đi, chúng tôi không chắc sẽ xin được, nhưng tin có Bác phù hộ thì hy vọng thành công. Xuống đến nơi, chị Xinh kể cho gia đình nghe nhiều du khách trong và ngoài nước rất xúc động khi nghe câu chuyện ông Đằng thờ cúng Bác Hồ và xem chiếc chân cắm nhang ông tặng bảo tàng, mong muốn được xem nhiều hơn những đồ vật có liên quan. Có lẽ tình cảm, sự chân thành của chúng tôi đã thuyết phục được gia đình bác Đằng và gia đình đã trao tặng cho bảo tàng những hiện vật còn lại”, chị Hồng kể.

Ngày 9-7, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM kỷ niệm 35 năm thành lập (1979 - 2014). Đến nay, bảo tàng đã xây dựng được một hệ thống gồm 6 kho bảo quản hiện vật với diện tích 196m2 để lưu giữ gần 20.000 tài liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Ngoài ra, bảo tàng còn xây dựng một thư viện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với hơn 5.000 quyển sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và do các tác giả viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Mỗi năm Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh phục vụ từ 250.000 - 350.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn cấp cao Đảng, Nhà nước, quân sự quốc tế đến thăm viếng, tìm hiểu và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục