Trong khi Bộ Xây dựng vội vàng đính chính “không phải 80% doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) có lãi”, thế nhưng kết quả kinh doanh trong năm 2012 của các DN BĐS và liên quan đến BĐS đang niêm yết trên sàn chứng khoán minh chứng ngược lại: trên 80% DN có lãi!
Lãi ngàn tỷ
Thống kê từ 124 DN trên 2 sàn chứng khoán gồm có kinh doanh BĐS, sắt thép, xi măng, xây dựng… kết quả như sau: 105 DN có lãi với 5.450,8 tỷ đồng; 19 DN bị lỗ hơn 2.541,3 tỷ đồng. Lãi hàng đầu tập trung vào hầu hết DN có “số má” trên thương trường. Đứng đầu là VIC, lợi nhuận kếch xù 1.847 tỷ đồng, hầu hết tập trung vào các dự án BĐS mà công ty đang đầu tư và khai thác. Kế đó là REE, lãi ròng 657 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đề ra của năm, riêng lĩnh vực cho thuê BĐS đã đem về doanh thu 121 tỷ đồng. Tiếp theo là HAG, lợi nhuận sau thuế 351 tỷ đồng, không chỉ đơn thuần từ BĐS - theo giải trình của ông Nguyễn Văn Sự, Tổng giám đốc HAG - mà còn có khoáng sản, đặc biệt là nguồn thu từ mủ cao su “trong quý 4-2012 đã bán được 46 tỷ đồng”…
Trong danh sách DN lợi nhuận, có 6 DN lãi khiêm tốn, chỉ bạc triệu. Thấp nhất là VNI, lãi 38,7 triệu đồng. Kết quả này khá ít nếu so với vốn chủ sở hữu là 107 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 124 tỷ đồng!
Sàn chứng khoán cũng đón nhận những tín hiệu tích cực từ các DN lỗ năm ngoái nay bắt đầu có lãi. Mặc dù chỉ lãi 3 tỷ đồng, nhưng là nỗ lực đáng ghi nhận của QCG khi năm trước lỗ tới 44, tỷ đồng! Doanh thu tăng nhờ công ty xây dựng xong và tiến hành bàn giao căn hộ, đất nền tại hàng loạt dự án như Giai Việt, The Mansion, Trung Nghĩa, 13E Phong Phú Bình Chánh… Tuy nhiên QCG vẫn phải đối mặt với nỗi lo lớn: hàng tồn kho gần 3.000 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn 1.483 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng một phần dự án Tăng Nhơn Phú đã đem lại cho ITC khoản thu nhập đáng kể, góp phần lợi nhuận năm 2012 lên 6,3 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ 136,8 tỷ đồng.
Tình hình kinh tế khó khăn, dẫn đến tình trạng hợp đồng giao dịch bị ngưng nửa chừng. TDH có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt kết quả tốt. Tuy nhiên các khoản giảm trừ đến 68,8 tỷ đồng do hàng bán bị trả lại, khách hàng hủy hợp đồng vì khó khăn về tài chính. Nhờ nguồn lợi khá lớn từ đầu tư chứng khoán đã đem đến cho công ty lãi của năm hơn 20 tỷ đồng!
Đại gia cũng lỗ!
Lỗ lớn nhất trên sàn chứng khoán thuộc lĩnh vực dầu khí, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) lỗ tới 1.222,6 tỷ đồng! Tuy mang “mác” dầu khí nhưng tiền “rải” cho đến 8 công ty chuyên về BĐS, gồm công ty con, liên doanh, liên kết và kể cả nắm giữ dưới 20% vốn với trên 1.400 tỷ đồng. Trong năm 2012, mặc dù thị trường BĐS khó khăn nhưng PVX vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào công ty BĐS, công ty đã tăng gấp 3 khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Phát triển đô thị dầu khí (PVC Mekong) lên 153,5 tỷ đồng vốn góp, tăng thêm vốn vào công ty con PVC Land lên 204 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả tất cả đầu tư đó, như liên tiếp quý 2 và 3-2012 ông Trương Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc PVX đã giải trình với Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội: Một số đơn vị thành viên có kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, huy động và thu hồi vốn để thực hiện dự án, trong khi vẫn phải chi phí để duy trì hoạt động, vì vậy không đạt được kết quả sản xuất kinh doanh. Khoản lỗ trên lên cao vì PVX trích dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn lên 726,7 tỷ đồng vào cuối năm! Lỗ lớn nhưng đáng ngại là PVX nợ ngắn hạn hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó gần như toàn bộ tại Oceanbank.
Một đơn vị khác lỗ lớn, 2 năm liên tiếp đó là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS). Năm ngoái công ty lỗ 71 tỷ đồng, năm nay kết quả kinh doanh tiếp tục tuột dốc, lỗ 300 tỷ đồng. Lý do, theo lãnh đạo SJS, năm 2012 công ty chỉ tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng nam An Khánh, Văn La - Văn Khê nên chưa triển khai kinh doanh bán hàng, vì vậy chưa ghi nhận doanh thu bù đắp các chi phí. Mặc khác, phần lớn các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết đều bị giảm giá, dẫn đến lỗ lớn.
Bất ngờ nhất đó là Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, lần đầu tiên lỗ đến 440 tỷ đồng! Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4-2012 cho thấy, một trong những nguyên nhân làm cho KBC lỗ nặng là do tồn kho tăng cao, đầu tư không hiệu quả trong khi chi phí quản lý tăng vọt. Hàng tồn kho cuối năm tiếp tục tăng mạnh khi đạt đến 7.053,87 tỷ đồng, chủ yếu từ dự án khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát (chi phí dở dang hơn 3.000 tỷ đồng) và dự án Khu công nghiệp Tân Phú Trung (chi phí dở dang hơn 2.600 tỷ đồng). Một yếu tố khác làm cho công ty của đại gia Đặng Thành Tâm bị thua lỗ chính là các khoản đầu tư vào các công ty liên kết liên doanh chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn thua lỗ nặng. Năm 2012, khoản đầu tư này mang về mức lỗ 80,62 tỷ đồng. Khoản lỗ trên chủ yếu đến từ khoản đầu tư vào Công ty CP Viễn Thông Sài Gòn (SGT), với mức lỗ 80,07 tỷ đồng!
>>Sổ tay: Cứu doanh nghiệp hay cứu nền kinh tế?
Lương Thiện