Dịch Covid-19 làm tình hình tội phạm phức tạp hơn

Trong Báo cáo trình bày tại phiên họp sáng 14-9 của UBTVQH, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhận định, dịch Covid-19 làm cho nhiều hoạt động kinh tế xã hội chùng lại, riêng tình hình vi phạm pháp luật lại có xu hướng căng thẳng hơn, do tình trạng thất nghiệp gia tăng. Đáng lưu ý, tội phạm về ma túy tăng nhiều nhất (8,9%), tiếp tục phát hiện nhiều vụ phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, với số lượng ma túy rất lớn.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: QUOCHOI
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: QUOCHOI

Theo ông Lê Minh Trí, năm 2020, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 68.672 vụ án hình sự, tăng 4,1% so với năm 2019, trong đó: tội phạm về ma túy tăng nhiều nhất (8,9%), tiếp tục phát hiện nhiều vụ phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, với số lượng ma túy rất lớn; tội phạm xâm phạm trật tự xã hội tăng 7,6%, nổi lên là tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp, hoạt động “bảo kê”, “tín dụng đen”.

Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự quản lý kinh tế, sở hữu, môi trường và tham nhũng, chức vụ đều giảm, nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả thiệt hại của tội phạm là đặc biệt lớn. Một số vụ án liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được khởi tố; trong đó, một số đối tượng đã lợi dụng việc mua thiết bị y tế để chiếm đoạt tiền của Nhà nước gây bức xúc dư luận; nhiều đối tượng có hành vi chứa chấp, đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, khiếu kiện hành chính, ngành Kiểm sát đã kiểm sát giải quyết 376.475 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại theo thủ tục sơ thẩm, tăng 2,2%; kiểm sát giải quyết 7.725 vụ án hành chính sơ thẩm, giảm 3,5%. Tiếp nhận 75.048 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, tăng 3,4%.

Người đứng đầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhấn mạnh, ngành kiểm sát xác định nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu.

Với trách nhiệm của mình, ông cho biết đã “tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng chất hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tối cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tập trung triển khai thực hiện quy định về ghi âm, ghi hình; vận hành 2 phòng hỏi cung có ghi âm, ghi hình có âm thanh kết nối với Trung tâm chỉ huy điều tra; đề xuất bổ sung chức năng, nhiệm vụ giám định; tập trung phát hiện, điều tra, xử lý hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi phạm tội và hành vi ban hành bản án, quyết định trái pháp luật; kiểm tra, xử lý kịp thời, đúng pháp luật mọi thông tin về tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp”.

Viện Kiểm sát đã trực tiếp lấy lời khai hơn 30.000 người bị bắt, tạm giữ; tỷ lệ bắt, tạm giữ, chuyển xử lý hình sự đạt cao (98%); kiểm sát 71.443 hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra; ban hành 62.765 yêu cầu điều tra, tăng 12,1%; trực tiếp hỏi cung 54.324 bị can...

Thông qua đó, đã không phê chuẩn hơn 600 lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam thiếu căn cứ, trái pháp luật; hủy 618 quyết định tạm giữ; yêu cầu bắt tạm giam 44 bị can; yêu cầu khởi tố điều tra 658 bị can; yêu cầu thay đổi, bổ sung đối với 64 quyết định khởi tố vụ án và 106 quyết định khởi tố bị can; trực tiếp khởi tố 7 bị can,...

Tuy nhiên, ông Lê Minh Trí công nhận, ngành kiểm sát vẫn còn một số hạn chế, tồn tại chưa được khắc phục triệt để, như: còn để xảy ra một số trường hợp phê chuẩn gia hạn tạm giữ thiếu chính xác, phải trả tự do; một số bị can phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế bị chiếm đoạt mặc dù tăng 14,5% nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và tỷ lệ kháng nghị án hành chính được chấp nhận chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội.

Chỉ còn 2 trường hợp có đơn kêu oan 

Thừa ủy quyền của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, vừa trình bày Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dịch Covid-19 làm tình hình tội phạm phức tạp hơn ảnh 1 Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao. Ảnh: QUOCHOI
Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài đã tác động trực tiếp đến tiến độ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án, trong khi tình hình tội phạm vẫn phức tạp, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục gia tăng.
Tuy nhiên, toàn ngành toà án đã nỗ lực giải quyết được 408.908 vụ việc (đạt tỷ lệ 74,23%); tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 1,1%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 438.514 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 314.233 vụ việc, đạt tỷ lệ 72% (so với cùng kỳ năm 2019, số thụ lý tăng 8.663 vụ việc; giải quyết, xét xử giảm 2.753 vụ việc).
Giải quyết các vụ án hành chính, các tòa án đã thụ lý 11.886 vụ; đã giải quyết, xét xử được 6.059 vụ, đạt tỷ lệ 51% (so với cùng kỳ năm 2019, thụ lý tăng 273 vụ, xét xử giảm 100 vụ). Các tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Tính đến ngày 31-7-2020 không còn vụ án nào để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan.
Xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân, các tòa án đã áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định pháp luật đối với 21.503/22.288 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,5%.
Thi hành án hình sự và miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước được các tòa án thực hiện kịp thời, không để quá hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến các vụ giám đốc thẩm, tái thẩm, cơ bản đã khắc phục được tình trạng đã trả lời cho đương sự là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao lại phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng và phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm – đại diện Toà án Nhân dân Tối cao cho biết.
Đặc biệt, theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, nhờ tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, hiện chỉ còn 2 trường hợp có đơn kêu oan có mức hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình, đang được xem xét, giải quyết.

Tin cùng chuyên mục