Dịch Ebola nghiêm trọng chưa từng có

Báo cáo về tình hình thực địa trước Đại hội đồng LHQ ngày 10-10 (giờ địa phương), người đứng đầu Phái bộ LHQ phản ứng khẩn cấp với dịch Ebola (UNMEER), ông Anthony Banbury cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch bệnh này gây ra là “nghiêm trọng chưa từng có”. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh một người đàn ông Anh đã tử vong tại thủ đô Skopje của Macedonia ngày 10-10 sau khi xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola dù người này chưa từng đến châu Phi.
Dịch Ebola nghiêm trọng chưa từng có

Báo cáo về tình hình thực địa trước Đại hội đồng LHQ ngày 10-10 (giờ địa phương), người đứng đầu Phái bộ LHQ phản ứng khẩn cấp với dịch Ebola (UNMEER), ông Anthony Banbury cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch bệnh này gây ra là “nghiêm trọng chưa từng có”. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh một người đàn ông Anh đã tử vong tại thủ đô Skopje của Macedonia ngày 10-10 sau khi xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola dù người này chưa từng đến châu Phi.

Không hành động đơn độc

Hiện các bác sĩ đang tiến hành các thủ tục xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này và nếu đúng, đây sẽ là nạn nhân Anh đầu tiên của dịch Ebola - vốn đã cướp đi sinh mạng hàng ngàn người ở Tây Phi, đang bắt đầu lan tới Bắc Mỹ và châu Âu.

Ông Anthony Banbury nhấn mạnh: “Thời gian là kẻ thù của chúng ta. Virus Ebola đã đi trước một bước”, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tăng cường nỗ lực và cam kết tài chính để chống lại đại dịch này. Đại dịch Ebola đang nhấn chìm những tiến bộ phát triển kinh tế - xã hội và không một quốc gia, tổ chức nào có thể một mình giải quyết được dịch bệnh này.

Số người tử vong do dịch Ebola đang tăng theo cấp số nhân.

Tại hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde và Chủ tịch WB Kim Yong Jim ngày 10-10 đều khẳng định ngăn chặn dịch bệnh Ebola lây lan và bảo vệ hành tinh trước tình trạng biến đổi khí hậu là những ưu tiên hàng đầu của IMF và WB.

Bà Lagarde cho rằng, năm 2015 sẽ là một năm bản lề và nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ không hoàn thành trách nhiệm đối với những người nghèo khó, các thế hệ mai sau và hành tinh của chúng ta. Chia sẻ quan điểm trên, Chủ tịch WB Kim Yong Jim một lần nữa cảnh báo nếu không hành động sẽ có thêm nhiều người chết vì sự lây lan nhanh chóng của loại virus này cũng như vì sự ô nhiễm của bầu khí quyển và đại dương.

Đông Nam Á có nguy cơ cao

Báo Al Jazeera ngày 11-10 dẫn nhận định của ông Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, Đông Nam Á đã từng là điểm nóng của một số trận đại dịch trong quá khứ như dịch hô hấp cấp (SARS), dịch cúm gia cầm… Mặc dù đã được chuẩn bị kỹ, cộng với kinh nghiệm kiểm soát các dịch bệnh trước đây, nhưng Đông Nam Á hiện vẫn có nguy cơ trở thành điểm đến tiếp theo của virus Ebola với lực lượng lao động đến và đi liên tục từ các trung tâm thương mại và du lịch toàn cầu đặt tại Singapore, Hồng Công, Philippines…

Trong lúc này, khắp nơi, những người có dấu hiệu sốt hoặc có liên hệ với bệnh nhân Ebola đều bị đưa vào các trại cô lập hoặc được lệnh phải ở trong nhà. Chính quyền các nước cảnh báo các đồn đoán có thể gây ra làn sóng hoảng loạn trong dư luận. LHQ đã cách ly 41 nhân viên tại Liberia sau khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh thứ 2 chỉ trong 1 tuần qua.

Tại Mỹ, một ngày sau khi bệnh nhân Ebola đầu tiên ở Mỹ bị chết, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người, bà Sylvia Burwell thừa nhận người dân rất lo về nguy cơ bùng nổ dịch bệnh Ebola trên lãnh thổ nước này. Mặc dù chính quyền đã gia tăng các biện pháp phòng ngừa, 23 Hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngày 10-10 đã gửi Tổng thống Barack Obama đề nghị Bộ Ngoại giao ban hành lệnh cấm và hạn chế cấp thị thực nhập cảnh cho công dân 3 quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng mạnh nhất của dịch Ebola là Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson cũng lên tiếng trấn an người dân Mỹ khi khẳng định rằng việc siết chặt các biện pháp an ninh và y tế tại 5 sân bay đầu tiên sẽ được mở rộng không chỉ đối với các sân bay ở Mỹ mà trên khắp toàn cầu. Hiện có 4.033 người tử vong trên tổng số 8.399 người nhiễm bệnh Ebola ở 7 quốc gia.

HẠNH CHI (tổng hợp)

>> EU lo ngại Ebola lây lan toàn khối

Tin cùng chuyên mục