Dịch heo tai xanh bùng phát tại Hà Tĩnh: Tiêu hủy ngay, không chờ xét nghiệm

  • Quảng Nam: Dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện ở 5 huyện

Theo Chi cục Thú y Hà Tĩnh, tình hình dịch heo tai xanh tại tỉnh này đang diễn biến hết sức phức tạp. Hiện nay, dịch đã xuất hiện tại các xã Cẩm Bình, Cẩm Thành và Cẩm Trung thuộc huyện Cẩm Xuyên; xã Thạch Hội thuộc huyện Thạch Hà; xã Thạch Bình và phường Hà Huy Tập thuộc TP Hà Tĩnh. Tổng số gia súc bệnh đến ngày 31-3 là trên 1.000 con.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch heo tai xanh.

Đối với khu vực có dịch: tiêu hủy số heo mắc bệnh mà không cần chờ kết quả xét nghiệm, không cần chữa trị, hỗ trợ cho người chăn nuôi ngay; cấm đưa heo và các sản phẩm của heo ra-vào vùng dịch khi chưa công bố hết dịch; khoanh vùng và lập các chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, lập biển báo nơi có dịch và hạn chế ra vào vùng dịch; tiêu độc khử trùng trên phạm vi toàn xã huyện có dịch tại các khu vực chăn nuôi, lối ra-vào và khu vực chôn lấp, tiêu hủy heo.

Đối với các khu vực chưa có dịch, thiết lập các trạm chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông chính và tổ chức kiểm soát 24/24 giờ trong ngày; giao trách nhiệm giám sát phát hiện dịch bệnh cho chính quyền cấp thôn, xã; khi phát hiện gia súc có dấu hiệu bị bệnh phải tổ chức bao vây, lấy mẫu xét nghiệm trước khi đưa đi tiêu hủy toàn bộ gia súc mắc bệnh ngay từ khi số lượng còn ít.

Chiều 31-3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp với các ngành, địa phương triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm đang lan nhanh trên địa bàn. Trong ngày 31-3, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 2 đàn vịt 560 con của hộ ông Đỗ Văn Tinh (thôn Thanh Long, xã Tam Hòa) và 640 con của hộ ông Trần Ngọc (thôn 6 xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) có các triệu chứng như dịch cúm A H5N1.

Như vậy đến thời điểm này, Quảng Nam đã xuất hiện dịch cúm gia cầm ở 7 xã của 5 huyện, TP là: Núi Thành, Thăng Bình, Đại Lộc, Tiên Phước và Tam Kỳ. Đến chiều 31-3, toàn tỉnh đã có 26.660 con gia cầm chết và tiêu hủy tại 56 hộ chăn nuôi của 25 xã thuộc 10 huyện và TP. Nhìn chung dịch cúm ít có sự lây lan giữa các địa phương mà chủ yếu bùng phát tại chỗ. Đáng chú ý là virus cúm A H5N1 đã xâm nhập trên đàn vịt xiêm (ngan) tại 2 thôn Đông Phú và Phú Trung (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) với 621 con đã được tiêu hủy. Khó khăn là một lọ vaccine tiêm phòng cho ngan có 1.000 liều và phải tiêm trong một ngày mới có công hiệu, trong khi hầu hết người dân Quảng Nam chỉ nuôi vài con ngan.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhanh công tác tiêm phòng cho gia cầm, cô lập việc vận chuyển mua bán gia cầm tại các vùng dịch; đồng thời thực hiện ngay các biện pháp đối phó với nguy cơ tái phát dịch heo tai xanh và lở mồm long móng trên gia súc. Tỉnh cũng đã lập đội kiểm soát lưu động liên ngành tăng cường phòng chống dịch gia súc, gia cầm.

T. Nam - X. Thiều

Tin cùng chuyên mục