Dịch thuật văn học: Năm bảy đường lo

Người đọc “hoài cổ”
Dịch thuật văn học: Năm bảy đường lo

Khi thị trường sách văn học ngày càng mở rộng, kết nối, giao lưu với thế giới, các đầu sách văn học du nhập vào nước ta ngày càng tăng về lượng, đa dạng về chất, vấn đề dịch thuật càng trở nên được chú ý.

Người đọc “hoài cổ”

Vừa qua, trên mạng đã diễn ra một cuộc săn tìm cuốn tiểu thuyết Bố già của nhà văn Mỹ Mario Puzo, bản dịch của Đoàn Tử Huyến và Trịnh Huy Ninh, vì cho rằng đây là bản dịch hay nhất của cuốn tiểu thuyết này ở Việt Nam. Cũng với cuốn tiểu thuyết này, một số bạn đọc khác lại tìm bản dịch của Ngọc Thứ Lang, cho rằng bản dịch của ông mới xuất sắc nhất.

Dù là bản dịch của Ngọc Thứ Lang hay Trịnh Huy Ninh - Đoàn Tử Huyến thì các cuộc săn tìm những bản dịch ngày trước đã phản ảnh một thực tế đáng buồn với dịch thuật mới và hoài niệm những bản dịch ngày trước. Điều này có thể được minh chứng cụ thể tại các hội sách, chợ sách, qua việc những gian hàng sách cũ được bạn đọc chú ý nhiều nhất.

Bạn đọc sách dịch đa dạng đòi hỏi dịch giả cũng cần đa dạng để đáp ứng nhu cầu

Vào Ngày sách Việt Nam vừa qua, tại phố sách Nguyễn Văn Bình, gian hàng sách cũ của Công ty Nhã Nam luôn tràn ngập người mua. Một bạn đọc tuổi trung niên cầm trên tay hai cuốn Ba người lính ngự lâm, (Nhà xuất bản Văn Hóa xuất bản năm 1985) cho biết: “Trong bản dịch này, nhân vật D’Artagnan rất tinh anh, bản lĩnh và hóm hỉnh. Còn bản dịch mới thì nhân vật nói năng như cái máy, không thể hiện được cái hồn nhân vật. Chính vì thế, dù chất liệu in kém hơn ngày nay rất nhiều, nhưng tôi vẫn mua bộ cũ”.

Không phải ngẫu nhiên bạn đọc giảm lòng tin vào dịch thuật hiện nay khi mà hàng loạt các sự cố về dịch thuật đã gây bất bình người đọc. Thậm chí có nhiều tác phẩm phải thu hồi chỉ vì sai sót nghiêm trọng trong công tác dịch thuật. Đáng buồn là những lỗi sai không chỉ của các dịch giả trẻ, mới vào nghề, mà còn có cả một số dịch giả lâu năm, có tên tuổi, đến mức tại một hội thảo về dịch thuật, người ta đã thẳng thắn nhận xét rằng nhiều lỗi dịch thuật là do sự thiếu trách nhiệm.

Cần thành lập Hiệp hội dịch giả văn học

Dịch văn học đòi hỏi phải chuyển đổi tác phẩm gốc qua một ngôn ngữ khác sao cho vừa phải đảm bảo được văn phong, tinh thần, nội dung của bản gốc, vừa phải giữ được sự gần gũi, quen thuộc với bạn đọc. Điều này đòi hỏi dịch giả phải giỏi cả hai ngôn ngữ, đồng thời am hiểu sâu về văn hóa, bản sắc hai quốc gia. Đây chính là vấn đề đáng nói với một số dịch giả trong nước. Có trường hợp dịch giả rất giỏi dịch các tác phẩm phức tạp, mang tính triết lý, tâm lý xã hội… nhưng khi dịch một tác phẩm có bối cảnh thời chiến lại sai sót nghiêm trọng do không hiểu các thuật ngữ quân sự, những tiếng lóng, danh từ riêng mà người lính sử dụng trong bối cảnh mà tác phẩm miêu tả.

Hay như trường hợp dòng sách trẻ đang rất ăn khách hiện nay. Dịch giả trẻ có thể không bằng các thế hệ dịch giả cha anh về kiến thức, trình độ, nhưng với sự hiểu biết về văn hóa của người trẻ, các vấn đề của giới trẻ hôm nay, họ đã chuyển tải được những tác phẩm cho bạn đọc trẻ rất thành công.

Để phát triển dịch thuật văn học tại Việt Nam, ý tưởng về việc thành lập một hiệp hội dịch thuật đã được nhen nhóm. Theo nhiều dịch giả, hiệp hội sẽ là nơi các dịch giả trao đổi những kinh nghiệm, vấn đề trong dịch thuật văn học. Ở đó, thay vì những cuộc tranh cãi “ăn thua đủ”, các dịch giả có thể thẳng thắn trình bày, bảo vệ các quan điểm cá nhân hoặc tiếp nhận những góp ý của các đồng nghiệp. 

Chuyện con châu chấu

Có một giai đoạn, khi bàn đến việc xuất khẩu văn học, người ta nhấn mạnh đến vai trò của dịch giả, thậm chí họ còn thành lập các đơn vị chuyên về dịch văn học để giới thiệu cho các NXB, bạn đọc nước ngoài. Tuy nhiên, dần dần người ta bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề dịch văn học Việt để giới thiệu ra quốc tế không thể dựa vào dịch giả trong nước. Điều này cũng giống như việc một dịch giả người Anh dịch tác phẩm tiếng Anh sang tiếng Việt, dù trình độ tiếng Việt có giỏi đến đâu cũng khó lòng chuyển tải tốt tác phẩm có nội dung phức tạp, nhiều vấn đề về ngôn ngữ, xã hội đặc thù. Chính vì thế, bên cạnh việc các dịch giả nước ngoài chủ động tìm và dịch tác phẩm Việt, các tổ chức trong nước cũng đã đặt hàng dịch giả các nước để dịch văn học Việt.

Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thuận lợi như câu chuyện dịch giả Nga dịch Dế Mèn phiêu lưu ký thành Những cuộc phiêu lưu của con châu chấu tên Mèn, do ở Nga ít dế nên dịch giả nhầm thành con châu chấu. Cũng tác phẩm này, dịch giả người Séc phải vừa dịch vừa ôm cuốn từ điển sinh vật học, đồng thời ngồi liên tưởng điều kiện tự nhiên miền nhiệt đới để dịch cho chuẩn câu chuyện của hàng trăm sinh vật miền nhiệt đới.

Và cũng vì thế, một hiệp hội dịch thuật sẽ là nơi hiệu quả để hỗ trợ các dịch giả nước ngoài một cách hiệu quả nhất khi họ cần chuyển tải những tác phẩm Việt. Thay vì mò mẫm, vật lộn với những chi tiết, vấn đề mang tính đặc trưng, riêng biệt về văn hóa, địa lý, sinh học… họ có thể trao đổi với các dịch giả Việt để tìm kiếm điểm tương đồng, từ đó hoàn thiện bản dịch của mình.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục