Tính đến cuối tháng 7-2017, VN-Index đã tăng hơn 16% so với thời điểm đầu năm. Không ít mã chứng khoán tăng mạnh từ 30% - 50%, một số mã tăng đến 100%.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự ổn định của kinh tế vĩ mô khiến dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán (TTCK), đặc biệt là vốn ngoại, việc nhiều doanh nghiệp (DN) lớn lên sàn và đưa chứng khoán phái sinh vào hoạt động, là 3 yếu tố tạo cơ hội để TTCK tăng trưởng mạnh những tháng cuối năm.
Lập đỉnh mới
Sau nhiều phiên biến động trong tháng 7, vào đầu tháng 8-2017, VN-Index đã duy trì đà tăng và tiếp tục thiết lập đỉnh mới (trong vòng 9 năm qua) ở mức hơn 791 điểm vào ngày 8-8. Thanh khoản thị trường vẫn giữ ở mức tốt với tổng giá trị giao dịch đạt gần 5.000 tỷ đồng.
Giao dịch tại Công ty Chứng khoán SSI. Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo các chuyên gia, TTCK đạt được mức tăng trưởng trên vì có yếu tố hỗ trợ rất tốt từ kết quả kinh doanh của các DN. Với kết quả khả quan của một số ngành trọng tâm như tài chính ngân hàng, chứng khoán và nhóm bất động sản, xây dựng, hàng loạt cổ phiếu của những DN này tiếp tục có những tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, kết quả kinh doanh của hầu hết ngân hàng trong 2 quý đầu năm 2017 khả quan, giúp cổ phiếu của ngành ngân hàng diễn biến tích cực. Sự tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này cũng là động lực chính thúc đẩy thị trường chung tăng điểm. Dòng tiền trên thị trường vẫn chảy mạnh vào nhóm này sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về xử lý nợ xấu. Ngoài ra, kết quả kinh doanh tốt từ các công ty chứng khoán, bất động sản, xây dựng cũng giúp nhóm cổ phiếu các ngành này tiếp tục xu hướng tăng trưởng tốt và thu hút được dòng tiền lớn.
Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ TTCK thời gian qua, khi khối ngoại tăng mua từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, một tín hiệu khác về thu hút đầu tư FDI, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 7, Việt Nam đã thu hút được 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 3,12 tỷ USD, tăng 109,7% so với cùng kỳ. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đây là kênh thu hút vốn ngoại; đồng thời cũng là chỉ số thể hiện niềm tin, lạc quan của khối này vào TTCK Việt Nam, yếu tố giúp TTCK Việt Nam nâng lên tầm cao mới.
Đón nhận chứng khoán phái sinh
Một trong những yếu tố hỗ trợ TTCK trong những tháng cuối năm, đó là sự vận hành của TTCK phái sinh vào ngày 10-8. TTCK phái sinh được đánh giá sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam, bên cạnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu; đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của TTCK và nền kinh tế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, cơ hội gia tăng thanh khoản cho thị trường nhờ tăng tính hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Ngoài ra, với đặc tính sử dụng đòn bẩy tài chính cao, nhà đầu tư sẽ có khả năng thu được mức lợi nhuận rất lớn - một khi đoán định đúng xu hướng của thị trường. Yếu tố này được đánh giá là đặc biệt hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước.
Ngoài việc TTCK Việt Nam đón nhận sản phẩm mới, các chuyên gia trong ngành cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục là động lực hỗ trợ ngành ngân hàng trong nửa cuối năm, nhất là khi Chính phủ vừa chỉ đạo nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 lên ít nhất 20%. Cùng với đó, bên cạnh việc rốt ráo xử lý nợ xấu đi từ chính sách tới hành động, câu chuyện của dòng cổ phiếu ngân hàng nửa cuối năm 2017 còn có yếu tố hỗ trợ tích cực từ kế hoạch bán vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, phát hành cổ phiếu tăng vốn để nâng hệ số an toàn vốn hay sự xuất hiện của những “tân binh” sắp lên sàn chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo cú hích như VPBank, LienVietPostBank, Techcombank, OCB... Bên cạnh đó, 5 tháng cuối năm 2017 sẽ diễn ra nhiều hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn tại các DN nhà nước, với những công ty lớn được chào bán cổ phần như PV Power, PV Oil, Vinafood 2, Vinamilk, Sabeco, Habeco, Satra… cũng là yếu tố thu hút và cơ hội để nhà đầu tư chọn hàng tốt.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, dòng tiền hiện vẫn duy trì ở thị trường và luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư với những cổ phiếu đầu ngành. Nhà đầu tư giai đoạn này được khuyến nghị nên mua hoặc nắm giữ cổ phiếu có kết quả kinh doanh thuận lợi trong quý trước và triển vọng cũng như đánh giá khả quan về những nhóm cổ phiếu được cho là có kết quả kinh doanh đột biến trong quý này. Nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán HSC cho rằng, dòng tiền sẽ đổ mạnh vào cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và chứng khoán và đây sẽ là 3 ngành dẫn sóng tăng cho VN-Index cuối năm nay.
TTCK biến động trong ngày 9-8
Trong ngày 9-8, TTCK có nhiều biến động do ảnh hưởng luồng thông tin trên mạng đồn đoán về việc chuẩn bị bắt giam thêm một số cá nhân trong các vụ án ngành ngân hàng. Chốt phiên sáng, do tâm lý lo ngại, nhiều nhà đầu tư bán tháo, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh đã kéo VN-Index xuống còn 776 điểm sau khi đã lập đỉnh cao nhất trong 9 năm qua. Chốt phiên, cổ phiếu Ngân hàng BIDV (BID) bị bán tháo mạnh, dẫn đến trắng bên mua, giá xuống mức 20.400 đồng/cổ phiếu. Mã VCB cũng giảm 600 đồng/cổ phiếu còn 37.800 đồng/cổ phiếu, SHS giảm 800 đồng còn 15.600 đồng/cổ phiếu, CTG giảm 850 đồng còn 18.800 đồng/cổ phiếu, MBB giảm 950 đồng còn 22.800 đồng/cổ phiếu, EIB giảm 100 đồng còn 12.550 đồng/cổ phiếu, STC giảm 400 đồng còn 11.800 đồng/cổ phiếu…
Chốt phiên giao dịch ngày 9-8, VN-Index giảm 17,91 điểm (giảm 2,26%) xuống còn 773,66 điểm, có 201 mã CK giảm, 58 mã CK đứng giá và 82 mã CK tăng giá. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 1,22 điểm còn 101,07 điểm, với 150 mã CK giảm giá. Tổng giao dịch toàn thị trường tăng mạnh, lên khoảng hơn 6.200 tỷ đồng.
Các chuyên gia nhận định, đây chỉ là phản ứng bình thường của nhà đầu tư do lo ngại trước các tin đồn. Khi có thông tin chính thức, TTCK sẽ bình ổn trở lại, nhìn về lâu dài, TTCK đang có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng điểm trong những tháng cuối năm.