Điểm sáng kinh tế châu Á

Kỳ nghỉ Tết Âm lịch tại nhiều nước châu Á vừa kết thúc cũng là lúc xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan về kinh tế châu Á. Nổi rõ nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Theo số liệu chính thức do nước này công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 4-2010 của Indonesia tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2009. Đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm vừa qua.

Theo báo Financial Times, các nền kinh tế khác cũng có tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2010 như Trung Quốc đạt 10,3% (năm 2009 là 9,2%), Singapore ước đạt 14,7% và Malaysia ước đạt 7%.

Dẫn đầu trong các chỉ số lạc quan cho các nền kinh tế châu Á là sản lượng công nghiệp, nhu cầu nội địa vẫn ở mức cao. Theo thăm dò mới nhất của Ngân hàng Đầu tư Canada RBC Capital Markets (một trong 20 ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới), 77% trong số 461 lãnh đạo kinh doanh và tài chính trên toàn thế giới tin rằng nền kinh tế Ấn Độ sẽ phát triển tốt hơn trong năm 2011 và 76% với kinh tế Trung Quốc.

Đặc biệt, có gần 3/4 (73%) người được hỏi tin rằng các thị trường chứng khoán lớn của châu Á sẽ khởi sắc hơn trong 12 tháng tới với dòng vốn đổ vào tăng lên. Để so sánh, có tới 65% ý kiến cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ có tốc độ tăng trưởng trong năm 2011 thấp hơn tốc độ trung bình 2,7% trong thập niên trước. Trả lời về khu vực nào có nhiều khả năng đối mặt với viễn cảnh kinh tế tồi tệ nhất trong năm 2011, 32% ý kiến cho là châu Âu, 28% Bắc Mỹ và 28% Nhật Bản.

Theo một cuộc thăm dò khác của Conference Board of Canada (CBC), một tổ chức nghiên cứu kinh tế phi lợi nhuận của Canada, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2011 sẽ là 3,4% so với 4% trong năm 2010, trong đó châu Âu là yếu tố chính kéo lùi đà tăng trưởng của thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP của khối này trong năm 2011 dự báo là 1,4% so với 1,6% trong năm 2010.

Trong khi đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự báo sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng toàn cầu, ước tính GDP thực tăng 5,1% trong năm 2011. Theo CBC, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự báo có giảm đi đôi chút, còn 9,1% trong năm 2011 so với 10,3% năm 2010 do lãi suất ngân hàng tăng. Tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ dự báo sẽ tương đương năm 2010, tức là 8,5%.

Tuy vậy, màu hồng của bức tranh kinh tế châu Á vẫn đan xen với các vệt xám. Nỗi lo lớn nhất vẫn là tốc độ lạm phát. Indonesia đã nối gót Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và nhiều nước châu Á khác siết chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương nước này phải nâng lãi suất cho vay tồn tại suốt 18 tháng qua ở mức 6,5% lên 6,75% vào ngày 4-2. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên 7,5% vào cuối năm nay. Tăng lãi suất là một trong nhiều biện pháp mà Indonesia và các nước châu Á khác sử dụng để làm nguội cơn sốt giá lương thực và hàng tiêu dùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu giá dầu thế giới tăng trên 100 USD/thùng, viễn cảnh tăng trưởng kinh tế châu Á càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục