Điện ảnh tài liệu Việt Nam chưa thể vượt lên chính mình

Liên tiếp là nước đăng cai tổ chức các kỳ Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế, nhưng hầu hết những bộ phim tài liệu Việt Nam được công chiếu tại liên hoan phim (LHP) thường khó chinh phục khán giả. Trong những năm gần đây, hiếm có thể tìm thấy được một phim tài liệu nhựa nào đặc biệt mới mẻ, đậm phong cách cá nhân khi mà phim truyền hình trong nước đang lên ngôi và phim nước ngoài ồ ạt đổ bộ.
Điện ảnh tài liệu Việt Nam chưa thể vượt lên chính mình

Liên tiếp là nước đăng cai tổ chức các kỳ Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế, nhưng hầu hết những bộ phim tài liệu Việt Nam được công chiếu tại liên hoan phim (LHP) thường khó chinh phục khán giả. Trong những năm gần đây, hiếm có thể tìm thấy được một phim tài liệu nhựa nào đặc biệt mới mẻ, đậm phong cách cá nhân khi mà phim truyền hình trong nước đang lên ngôi và phim nước ngoài ồ ạt đổ bộ.

Chật vật đầu ra

Hầu hết những bộ phim tài liệu của Việt Nam mang đến các kỳ liên hoan đều là những bộ phim đoạt giải tại LHP châu Á - Thái Bình Dương, giải Cánh diều vàng, Bông sen vàng…, mặc dù được công chiếu miễn phí trong suốt thời gian diễn ra liên hoan nhưng lượng khán giả tìm đến các bộ phim tài liệu của Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí, nhiều khán giả tỏ ra không thích thú và quay lưng với loại hình điện ảnh này.

Khi các bộ phim điện ảnh bom tấn ăn khách của các quốc gia trên thế giới hay những bộ phim truyền hình của Việt Nam luôn thu hút khán giả thì dòng phim tài liệu lại đi theo lối mòn của sự rườm rà, nhàm chán, giáo điều. Nhiều khán giả còn cho rằng, phim tài liệu Việt Nam không hay, không sâu và thiếu những phá cách, thiếu ngôn ngữ sáng tạo, những câu chuyện với cách kể còn hết sức ngô nghê, nặng về lời bình và phim nào cũng hao hao giống nhau.

Trong đợt LHP tài liệu quốc tế vừa qua, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương chịu trách nhiệm lựa chọn 10 bộ phim tài liệu Việt Nam tham gia liên hoan. Các bộ phim được lựa chọn là phim đã được mời tham dự các liên hoan quốc tế và được giới chuyên môn đánh giá cao. Các bộ phim thể hiện nhiều chủ đề khác nhau có liên quan đến lịch sử, văn hóa và xã hội của đất nước như: Chốn quê, Sông Hồng 12 khúc, Nghèo đa chiều ở Đồng Mậm, Còn lại với thời gian, Giọt nước giữa đại dương, Gieo chữ trên mây, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai… Đây đều là những bộ phim tài liệu có chất lượng khá và tốt. Một số phim tìm được đề tài độc đáo, khai thác những thông tin hấp dẫn, có thể khiến khán giả xúc động. Nhưng nhìn chung, phim tài liệu của Việt Nam chiếu tại LHP vẫn trung thành với cách làm phim có kịch bản và lời bình, người làm phim đưa cái nhìn và quan điểm của mình khiến khán giả có cảm giác bị áp đặt.

Cảnh trong phim tài liệu Nghèo đa chiều ở Đồng Mậm. Ảnh do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cung cấp.

Đi theo vết xe đổ

Đã qua rồi thời kỳ phim tài liệu đưa cái tên của các nhà làm phim Việt Nam vươn ra thế giới. Đến nay, sở trường làm phim tài liệu chinh phục khán giả quốc tế dường như đã không thể gánh vác được hết trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của mình. Thậm chí, với cả những tác phẩm đã đoạt các giải thưởng trong nước như Cánh diều vàng hay Bông sen vàng… thì cũng vẫn chỉ dừng ở mức giới hạn kể cho người Việt nghe câu chuyện bằng những thước phim thiếu phá cách, thiếu ngôn ngữ sáng tạo...

Đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, cho rằng: “Hầu hết các bộ phim tài liệu của Việt Nam đều đi theo vết xe đổ với cách làm cũ, lời bình nhiều, chất lượng ngày càng đi xuống, thi thoảng mới có được một phim đáng xem, có vấn đề. Người làm phim tài liệu luôn có cảm giác sợ người xem không hiểu nên cứ phải nói. Có những phim, lời bình nhắc lại những gì hình ảnh đang có, lời bình không ăn nhập với hình. Một điều nữa cũng đang cản trở đến chất lượng các phim tài liệu hiện nay chính là sự sáo mòn trong cách tiếp cận vấn đề… Bởi vậy, chắc còn cần một thời gian dài nữa, phim tài liệu Việt Nam mới vượt lên chính mình”.

Mặt khác, việc đầu tư kinh phí cho việc làm phim còn nhiều bất cập, qua nhiều công đoạn nên khó có đủ thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư sâu cho đề tài. Nếu như các bộ phim châu Âu thường tìm những đề tài mới lạ, độc đáo, tốn nhiều thời gian thì những bộ phim tài liệu Việt Nam lại mang nội dung khá nông, câu chuyện dàn trải hoặc chắp vá. Cụ thể như bộ phim Giai điệu quê hương của hai đạo diễn người Đức Arne Birkenst ock, Jan Tengeler đã phát hành và “bám” rạp tại Đức trong suốt 70 tuần, cho thấy một bộ phim tài liệu nếu được đầu tư công phu và thực sự hay hoàn toàn có thể ra rạp. Phim kể về một nhạc sĩ người New Zealand bỏ công sức đi tìm nguồn cội của nhạc dân gian Đức. Cuốn phim tài liệu hết sức lôi cuốn này cho ta thấy nghệ sĩ saxophone Hayden Chrisholm đi khắp nước Đức để tìm gặp nhạc sĩ và ca sĩ - bất kể trẻ già, truyền thống hay hiện đại, phá cách hay thủ cựu. Chuyến du hành của Hayden đem ông tới nhiều vùng miền và phong cảnh trên đất Đức cùng chiếc saxophone luôn bên người. Ông tiếp xúc với nhiều người chăm chút cội rễ âm nhạc của mình với niềm kiêu hãnh và tình yêu quê hương, song ông cũng gặp cả những người nghi ngại mọi kiểu hoài cổ. Dù sao chăng nữa, người xem sẽ nhận được ấn tượng mạnh mẽ về một loại hình âm nhạc độc đáo và mang tính xây dựng, cực kỳ sống động chứ không hề mang chút mùi vị bảo tàng. Chính vì lẽ đó mà phim Giai điệu quê hương được các rạp phim Đức chiếu 70 tuần liền và nhận giải Phim tài liệu âm nhạc xuất sắc nhất năm 2014.

Đài Truyền hình TPHCM vừa kết thúc 5 tập phim Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời của đạo diễn Lâm Thành Quý được phát sóng từ ngày 20 đến 25-6 trên kênh HTV9. Mỗi tập phim là kho tàng tư liệu quý giá mà đạo diễn muốn chuyển tải đến khán giả về chủ quyền biển đảo và trở thành bộ phim được khán giả mong đợi. Hiếm có một bộ phim tài liệu nào có thể hấp dẫn và lan tỏa những giá trị thực như vậy.

Tổng Giám đốc Đài truyền hình TPHCM Nguyễn Quý Hòa cho biết: “Sau khi phát sóng, 5 tập phim sẽ được đăng tải trên mạng xã hội YouTube. Phim cũng sẽ được chuyển sang tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác nhằm phổ biến sâu rộng những giá trị về chủ quyền biển đảo đến công dân Việt Nam và trên toàn thế giới”.

Trước đó, tập phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm về đề tài chuyển giới trong xã hội cũng trở nên “sốt” vé tại các cụm rạp ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng…

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục