Diễn đàn hợp tác đầu tư tiểu vùng Mekong: Cần chính sách riêng cho tam giác phát triển

Ngày 9-11, Bộ KH-ĐT phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia (VILACAED) tổ chức diễn đàn hợp tác đầu tư tiểu vùng Mekong lần thứ 4 tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk với chủ đề “Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) trước thách thức và cơ hội mới” .

(SGGP). - Ngày 9-11, Bộ KH-ĐT phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia (VILACAED) tổ chức diễn đàn hợp tác đầu tư tiểu vùng Mekong lần thứ 4 tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk với chủ đề “Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) trước thách thức và cơ hội mới” .

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho biết, Việt Nam hiện có 112 dự án đầu tư vào Campuchia với tổng vốn đầu tư 2,36 tỷ USD, trong đó có 25 dự án đầu tư nằm ở khu vực tam giác phát triển CLV với tổng vốn đầu tư 1,44 tỷ USD (chiếm 22% số dự án và 61% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia). Tại Lào, hiện Việt Nam có 50 dự án đầu tư vào khu vực tam giác phát triển CLV, với tổng vốn đầu tư 1,65 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng số dự án và 47,5% tổng số vốn đầu tư Việt Nam vào Lào.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp (DN) tham gia diễn đàn, môi trường đầu tư tại Lào và Campuchia hiện đã có nhiều thay đổi, khó khăn cho nhà đầu tư Việt Nam. Tại Lào, Chính phủ dừng xem xét và cấp mới các dự án trong lĩnh vực tìm kiếm, khảo sát quặng kim loại và phi kim; dừng xem xét các dự án trồng cao su, trồng bạch đàn trên phạm vi toàn quốc; kiên quyết cấm xuất khẩu quặng chưa qua chế biến, quặng thô…; Chính phủ Campuchia thì không khuyến khích các nhà đầu tư khai thác gỗ, khoáng sản không qua chế biến; không ủng hộ việc giải tỏa đất đai tại những nơi người dân đã ở lâu đời… Các điều kiện đầu tư thay đổi nêu trên, cùng một số khó khăn tồn tại trước đây như tỷ lệ lao động nước ngoài, thuế, giao thông vận tải đã làm giảm cơ hội đầu tư và gây ra một số thiệt hại cho DN Việt Nam.

Theo TS Cao Văn Bản (Trưởng ban, Thường trực Ban Chấp hành VILACAED), thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài còn rườm rà và thiếu chặt chẽ gây khó khăn cho DN. Trong khi đó, còn thiếu chế tài bảo đảm thực hiện dự án ở nước ngoài và trách nhiệm của nhà nước, vì vậy chưa kiểm soát được việc thực hiện nghĩa vụ của các nhà đầu tư, không đánh giá được hiệu quả đầu tư ra nước ngoài.

Hiện tại, các DN Việt Nam đầu tư vào Campuchia và Lào (trong đó có khu vực tam giác phát triển) chỉ thực hiện theo chính sách chung về đầu tư nước ngoài, mà chưa có những quy định riêng đối với các nước trong khu vực và tiểu vùng (vùng Mekong - GMS, tam giác phát triển CLV…) như các thảo thuận có tính chất khu vực đã được Chính phủ các nước thông qua. Vì thế, Chính phủ các nước trong khu vực cần có những chính sách riêng, mang tính đặc thù cho khu vực tam giác phát triển để khuyến khích DN các nước đầu tư vào đây.

Ông Đặng Xuân Quang (Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ KH-ĐT) đề xuất: Các nước trong khu vực cần có chính sách khuyến khích và ưu đãi nhà đầu tư vào các tỉnh khó khăn trong khu vực tam giác phát triển. Các nước cần phối hợp với nhau trong việc xây dựng cơ chế, chính sách để ưu tiên thu hút đầu tư vào khu vực này.

Ông Khen Thong Sisuvong cho rằng, các nước Campuchia, Lào, Việt Nam cần phải thúc đẩy sự hỗ trợ, đầu tư của nước ngoài vào khu vực này để tạo động lực phát triển cho vùng. Tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách khuyến khích DN các nước trong khu vực châu Á (như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…) đầu tư vào tam giác phát triển CLV.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục