Trong tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ngày càng gia tăng, đã có nhiều biện pháp được thực hiện để giảm thiểu tối đa TNGT, thế nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân chính dẫn đến TNGT là do người điều khiển xe chạy vượt quá tốc độ cho phép, coi thường mạng sống của chính mình và mọi người.
TNGT vì chủ quan, coi thường pháp luật
Khi xảy ra TNGT, cơ hội để hối hận và sửa chữa hầu như không còn nữa. Biết vậy nhưng vẫn có không ít người, nhất là những thanh niên mới lớn, đua xe, đánh võng trên đường để chứng tỏ mình là dân chơi. Cảnh sát giao thông (CSGT) đã ra quân dẹp được một số vụ đua xe, nhưng cũng không đủ sức trấn áp dứt điểm. Chuyện đua xe trên đường phố vẫn cứ tiếp diễn.
Khi phân tích thực trạng có nhiều người xem thường luật lệ giao thông, cũng cần đề cập đến trách nhiệm của lực lượng CSGT. Có một số trường hợp khi bị CSGT phát hiện vi phạm luật lệ giao thông, người vi phạm chỉ cần đưa tiền cho CSGT là có thể đi qua. Nhiều lần như vậy sẽ gây tâm lý coi thường pháp luật của người tham gia giao thông và tâm lý đối phó với lực lượng CSGT. Thậm chí lại nảy sinh quan niệm tuân thủ luật lệ giao thông là việc bị cưỡng bức, là để đối phó CSGT chứ không phải vì quyền lợi của chính mình. Chính tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật của người tham gia giao thông và cả những hành vi tiêu cực của một số CSGT đã trở thành nguy cơ tiềm ẩn làm cho tình trạng TNGT ngày càng gia tăng.
Do vậy, để phòng chống và giảm thiểu TNGT, mỗi người dân, mỗi CSGT làm nhiệm vụ cần nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm vì lợi ích của bản thân và của cộng đồng. Khẩu hiệu “An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người” cần phải được hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc. Không ai có thể bảo toàn tính mạng cho mình bằng sự cẩn trọng của chính mình. Tôn trọng luật giao thông, hiểu luật và chấp hành nghiêm chỉnh không những là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi công dân.
Làm gì để hạn chế TNGT?
Để giảm thiểu được số vụ TNGT, góp phần thực hiện hiệu quả năm “An toàn giao thông”, có rất nhiều việc phải làm một cách đồng bộ. Tăng dân số cơ học đột biến đã dẫn đến tình trạng quá tải của cơ sở hạ tầng giao thông, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các thành phố lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Do vậy đường sá cần được mở rộng thêm, việc quy hoạch giao thông phải có định hướng rõ ràng. Cần có giải pháp nhằm hạn chế lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm, phát triển tốt hệ thống giao thông công cộng, xây dựng cầu vượt, đường hầm... và quan tâm hơn nữa đến vấn đề giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông.
Nên phân luồng, tuyến xe thật hợp lý, hạn chế tối đa việc sản xuất và sử dụng các loại xe cải tiến, xe thô sơ, nhằm làm giảm những lỗi giao thông nhỏ, không đáng có nhưng lại vô tình gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vào những giờ cao điểm tan ca, tan tầm, tan trường, cảnh tắc nghẽn giao thông tại các giao lộ chính vẫn thường xảy ra, dẫn đến tình trạng các xe tranh giành đường, lấn sang phần đường ngược chiều, vượt ẩu và thường gây ra những TNGT nghiêm trọng. Muốn khắc phục tình trạng này, CSGT cần phải xử lý nghiêm hơn nữa các vụ vi phạm dù là nhỏ nhất. Đặc biệt, cần có hình thức phạt nặng các trường hợp lạng lách, vượt đèn đỏ hoặc đi vào đường cấm.
Để hạn chế TNGT một cách căn cơ, cần phải có các biện pháp thiết thực khuyến khích mọi người nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong sinh hoạt hàng ngày; đồng thời nghiên cứu, có những chính sách cụ thể, rõ ràng trong việc đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng hiện đại, mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trước mắt, nên mở nhiều tuyến xe buýt di chuyển ở những khu vực trọng điểm để kết nối các tuyến, thuận tiện cho hành khách đi xe buýt. Cùng với việc tăng cường phương tiện giao thông công cộng, cần mở đợt tổng kiểm tra rà soát, loại ra và buộc phá hủy ngay hoặc cho chuyển mục đích có điều kiện những phương tiện vận chuyển hành khách quá niên hạn sử dụng hay không còn an toàn khi tham gia lưu thông.
Trong việc thực thi pháp luật, cần kiểm tra, xử phạt thật nghiêm khắc và có thể đề nghị truy tố bất kỳ ai không có đủ điều kiện mà cố tình tham gia, điều khiển phương tiện giao thông. Cần bổ sung yếu tố sức khỏe, tuổi tác, đặc biệt là thị lực trong việc xét cấp giấy phép lái xe tại mọi thời điểm có tham gia giao thông. Luật pháp cần xử lý nghiêm khắc những người gây TNGT, làm tổn thương sức khỏe và sinh mạng người khác, ngay cả trong trường hợp nạn nhân có xin bãi nại. Đây là biện pháp chế tài vừa mang tính răn đe vừa mang tính giáo dục cao, đặc biệt là đối với giới trẻ mới lớn có tính háo thắng và hay ỷ vào thế lực cha mẹ.
Trần Thị Trúc Phương
(15/12 đường số 10, P.Trường Thọ, Thủ Đức, TPHCM)