Diễn đàn Quốc hội 'nóng' chuyện giá điện tăng

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 30-5, một lần nữa, những vấn đề liên quan đến giá điện tăng tiếp tục trở thành chủ đề nóng được nhiều đại biểu (ĐB) đề cập.

 ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 30-5. Ảnh: TTXVN
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 30-5. Ảnh: TTXVN

Cần sớm công bố kết quả thanh tra giá điện

Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bộ Công thương đã có tờ trình về điều hành giá điện, xăng dầu dài 20 trang và một số trang phụ lục với rất nhiều con số lập luận để khẳng định bộ làm đúng. Liên hệ với lĩnh vực mình đang làm việc, ĐB Hiếu nhấn mạnh: “Dù phác đồ đúng mà bệnh nhân của mình không tốt lên thì tôi vẫn phải xem xét vì nhiều khi trên lý thuyết là đúng những triển khai sai ở mắt xích nào đấy; lúc này phải dừng lại suy xét không bảo thủ duy ý chí, che đậy sai lầm”.

Vì vậy, với giá điện tăng, khi nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công thương cần nghiêm khắc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền trong thời gian qua trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu. “Phải chăng nguồn gốc sâu xa do sự độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong truyền tải, mua bán điện?”, ĐB Hiếu nêu câu hỏi.

Vấn đề giá điện tăng cũng nhận được sự quan tâm của các ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận). Theo ĐB Nguyễn Thị Phúc, nhiều cử tri cho rằng, thời điểm tăng giá điện không phù hợp. Dù đồng ý với giải thích của Chính phủ là việc này đã được tính toán và nằm trong lộ trình, nhưng ĐB Phúc đề nghị “sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện, có đúng quy định không, nếu sai thì xử lý thế nào”.

Nhấn mạnh việc tăng giá điện sẽ gây tăng giá các mặt hàng khác, gây bức xúc cho nhân dân, ĐB Phúc đề nghị Chính phủ có giải pháp tránh "té nước theo mưa", kiểm soát việc kê khai giá của doanh nghiệp… để có biện pháp tổng thể trước biến động thị trường.

Còn theo ĐB Nguyễn Quốc Hận, Chính phủ nói đã xem xét điều chỉnh giá điện đúng quy định nhưng cử tri quan tâm không phải là đúng quy định hay không vì “Chính phủ điều hành không thể không đúng”. Điều người dân quan tâm là Chính phủ dự báo ra sao về việc tăng giá điện ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đến nhân dân vì sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, từ đó tăng giá thành sản xuất, sản phẩm, ảnh hướng đến sức mua của người dân. Trong khi lương cán bộ công nhân viên chức không tăng nhưng các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, điện, viện phí… tăng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và mục tiêu kiềm chế lạm phát. Từ đó, ĐB Hận cũng kiến nghị kinh doanh điện thuộc đối tượng của Kiểm toán Nhà nước.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương cũng bày tỏ, việc tăng giá điện vào thời điểm tháng 3 và cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà ngành điện lấy thời điểm chuyển mùa để tăng giá vì cứ tăng xong thì “đổ do thời tiết để đỡ giải thích nhiều”. Những so sánh về đầu ra thấp mà không so sánh đầu vào là khập khiễng, nhất là trong khi thu nhập bình quân đầu người thấp, ngành điện được Nhà nước ưu đãi đủ thứ. Một số nước cứ nắng nóng là họ giảm giá điện để người dân bớt khó khăn thì không so sánh. Cứ rao giảng tăng giá điện các bên đều lợi “nhưng lợi chẳng có, mà răng cũng chẳng còn”. ĐB Nguyễn Sỹ Cương cũng đề nghị công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về giá điện để cho thấy bức tranh đầy đủ của một doanh nghiệp độc quyền như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Xử lý nghiêm các hành vi can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa

Vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm cũng khiến một số ĐB bày tỏ sự quan tâm. Những năm qua, việc tổ chức, quản lý, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và đồng bộ. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng chỉ ra rất nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là việc phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương chậm, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch; còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, hoặc giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân khách quan tồn tại lâu nay là nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản nhà nước nên việc xác định giá trị doanh nghiệp gặp khó khăn. Một số quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, thời gian thực hiện dài, nhất là về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, công tác xác định giá trị doanh nghiệp bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước dẫn đến quy trình, thời gian thực hiện kéo dài hơn…

Ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên, theo ĐB Nguyễn Trường Giang, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa thoái vốn, gây bức xúc dư luận. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, nhưng việc xác định và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa được kịp thời.

3 ví dụ được ĐB Giang nêu để chứng minh cho “việc cổ phần hóa còn thiếu công khai, minh bạch, “lợi ích nhóm”, có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật”. Đó là sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinalines chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines; cho phép Vinalines bán cho Công ty Hợp Thành 75,01% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Đây là sự vi phạm từ phía cơ quan quản lý là chính, nếu loại trừ yếu tố câu kết của doanh nghiệp với cơ quan quản lý, lợi ích nhóm sẽ thấy ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình cổ phần hóa.

Ví dụ thứ hai là trường hợp Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong quá trình cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp, khoản nợ… có ý kiến khác nhau của cơ quan quản lý nhà nước đã khiến cho việc thoái vốn khó, khó thu hồi.

Về trường hợp của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), theo ĐB Nguyễn Trường Giang, việc cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp này được coi là thành công. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước thoái vốn đã có sự tranh chấp của các nhóm cổ đông mới. Một nhóm cổ đông đã có đơn yêu cầu tòa án thụ lý giải quyết và tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Sau đó, cũng chính tòa lại xác định là cổ đông không có thẩm quyền và hủy quyết định thụ lý, hủy biện pháp khẩn cấp tạm thời (khôi phục lại hoạt động của hội đồng quản trị và ban kiểm soát Vinaconex - PV). Điều này đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình cổ phần hóa.

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn và có hình thức xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cổ phần hóa cũng như lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp”, ĐB Nguyễn Trường Giang kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục